Châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng thời gian qua sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm (Ảnh minh họa: AP).
RT đưa tin, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết, Moscow sẵn sàng khởi động lại việc cung cấp khí đốt tự nhiên tới EU thông qua đường ống Yamal-Europe.
Ông cho rằng, Nga vẫn xem châu Âu là một thị trường để cung cấp mặt hàng khí đốt và Moscow có thể nối lại nguồn cung khí đốt tới khu vực đang gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng.
“Đường ống Yamal-Europe - vốn bị dừng hoạt động vì lý do chính trị - vẫn không được sử dụng (để cấp khí đốt sang châu Âu)”, ông Novak nói.
Dòng khí đốt chảy qua Yamal-Europe đi theo hướng tây để tới châu Âu, nhưng nó đã bị gián đoạn kể từ khi Ba Lan chấm dứt hợp đồng cung cấp với Nga trước thời hạn cuối năm 2022. Warsaw từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Moscow, dẫn tới nguồn cung bị qua đường ống bị gián đoạn.
Đáp lại động thái của Warsaw, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã cắt nguồn cung, nói rằng họ không thể bơm khí đốt qua Ba Lan nữa, trong khi Moscow áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty sở hữu đoạn chảy qua Ba Lan của đường ống Yamal-Europe.
Dù khí đốt Nga chảy sang châu Âu qua Yamal-Europe và Dòng chảy phương Bắc đã bị ngừng lại, Nga vẫn cấp mặt hàng này cho một số nước EU bằng đường ống chảy qua lãnh thổ Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Novak cho biết, dù căng thẳng Nga - phương Tây leo thang trong thời gian qua, Moscow vẫn xem châu Âu là thị trường cho khí đốt nước này.
“Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, khí đốt của chúng tôi có nhu cầu ổn định từ thị trường. Do đó, chúng tôi tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của mình. Rõ ràng là một chiến dịch quy mô lớn đã được phát động chống lại chúng tôi, kết thúc bằng các hành động phá hoại các đường ống của Dòng chảy phương Bắc”, ông nói, nhắc lại vụ đường ống chạy qua biển Baltic bị cài thuốc nổ dẫn tới hỏng hóc nghiêm trọng hồi tháng 9.
Ngoài ra, ông Novak cho biết, Nga vẫn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu. Dự kiến lượng LNG Nga bán cho EU sẽ tăng lên mốc 21 tỷ m3 vào cuối năm.