Ngắm cây đa cổ thụ xanh tốt ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Gắn bó với người dân xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ cuối thế kỷ XIX đến nay, cây đa cổ thụ không chỉ tỏa bóng mát xum xuê mà còn mang ý nghĩa về lịch sử, văn hoá.

Không biết từ bao giờ, cây đa làng mọc tại vùng bán sơn địa, thuộc địa phận thôn Sơn Nam, xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên) đã trở thành một phần trong đời sống văn hoá của người dân địa phương. Cây cao khoảng 20 m, tán rộng hơn 35 m, chu vi gốc khoảng 8 m.
Theo các bậc cao niên trong làng, cây đa có từ cuối thế kỷ XIX. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây đa là nơi trú ngụ của quân và dân ta nhằm tránh quân địch và trao đổi thông tin.
Vào khoảng năm 1963, vùng đất xung quanh cây đa (hay còn gọi là cánh đồng Hưng Thịnh) có tổng diện tích 14 ha, được HTX Bắc Thịnh lựa chọn làm nơi trồng chè. Đến năm 1978, vùng đất này được cải tạo lại chia cho người dân thành lập đội sản xuất, trồng nhiều loại rau màu như: ngô, khoai, sắn... và chỉ có duy nhất cây đa được giữ lại cho đến bây giờ.
Ông Trần Đình Chuổng (SN 1940, thôn Sơn Nam, xã Cẩm Thịnh) chia sẻ: "Trải qua các giai đoạn lịch sử, cây đa đã chứng kiến các cuộc đấu tranh chống giặc của người dân Cẩm Thịnh. Trong thời bình, cây là nét đẹp văn hoá trong đời sống văn hóa của người dân".
Vào ngày 23 tháng Chạp và mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân địa phương thường đến đây làm lễ cầu mong cuộc sống yên bình, mùa màng bội thu.
Gốc cây vững chắc, 6 người ôm không xuể.
Rễ cây rắn rỏi bám chặt vào đất.
Cây tỏa ra nhiều cành to lớn, mỗi cành như một thân cây đại thụ.
Một cành cây sà xuống, bám chặt vào mặt đất, trở thành "chân chống" giúp cây càng trở nên vững vàng.
Loài chim sáo thường lựa chọn hốc cây để làm nơi trú ngụ, lâu dần tạo nên những hố sâu trên thân cây.
Ông Lê Xuân Phạn (SN 1929, thôn Sơn Nam, xã Cẩm Thịnh - bên phải) thường xuyên chia sẻ về những câu chuyện sử tích của cây đa làng. Ông Phạn cho biết: "Cây đa làng gắn liền với nhiều thăng trầm lịch sử, quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Tôi rất muốn thế hệ sau này biết đến những giá trị về văn hoá để duy trì tình yêu với quê hương, lòng biết ơn với các thế hệ đi trước".

Trên địa bàn xã Cẩm Thịnh hiện có 2 cây đa tại thôn Sơn Nam và thôn Tiến Thắng. Cây đa tại thôn Sơn Nam là cây có tuổi đời lâu nhất với niên đại hơn 150 năm, trở thành một trong những địa điểm lưu giữ những nét đẹp văn hoá của người dân. Thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra huy động quyên góp kinh phí để tôn tạo khuôn viên, xây dựng đường bê tông vào bên trong gốc cây đa. Chính quyền địa phương rất mong muốn cây đa này được công nhận một danh hiệu để lưu giữ cho các thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh.

Video: Người dân chia sẻ về cây đa làng có tuổi đời hơn 150 năm.

Đọc thêm

Tin mớiEmagazineTruyền hìnhBáo nói