Người dân Hà Tĩnh bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(Baohatinh.vn) - Vào ngày Quốc tang, niềm thương tiếc về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng thêm dâng trào trong mỗi người dân Hà Tĩnh. Biến đau thương thành hành động, các tầng lớp nhân dân quê hương núi Hồng, sông La thêm quyết tâm nỗ lực phấn đấu chung tay dựng xây đất nước.

Chị Nguyễn Thị Nhuần (SN 1987 - cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh): Khôn nguôi niềm thương nhớ

Đến nay, tôi đã có 13 năm công tác trong ngành văn hóa. Quãng thời gian ấy, tôi có rất nhiều kỷ niệm trong công việc nhưng kỷ niệm đẹp đẽ, đáng tự hào nhất cho đến lúc này vẫn là lần được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi bác về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh vào dịp tháng 4/2016. Hôm đó, tôi được phân công làm nhiệm vụ hướng dẫn tham quan cho bác Trọng và đoàn công tác Trung ương tại Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên).

z5664080980895_b42b284c1e5cdc5f996dceed95138366.jpg
Chị Nguyễn Thị Nhuần giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên trong đoàn, dịp tháng 4/2016.

Lúc ấy, dù chuẩn bị nội dung giới thiệu rất kỹ nhưng tôi vẫn rất hồi hộp, lo lắng. Vậy nhưng, khi bác Trọng xuất hiện với nụ cười thân thiện, lời hỏi thăm ân cần đã xóa đi tất cả nỗi bất an trong tôi. Tôi đã tự tin giới thiệu với bác và các thành viên đoàn về những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, cũng như những nét nổi bật của văn hóa, con người quê hương Hà Tĩnh. Cuộc gặp gỡ ấy cùng những công lao to lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cống hiến cho đất nước thêm khắc sâu trong tôi chân dung về một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng tận tụy hết lòng vì nước, vì dân nhưng cũng vô cùng gần gũi, ấm áp.

Điều đó đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, niềm tự hào và động lực cống hiến trong công việc, cuộc sống của mình. Thế rồi, chiều ngày 19/7/2024, khi vừa tan sở, nghe tin Tổng Bí thư đáng kính từ trần, tim tôi như nghẹn lại. Cảm giác hụt hẫng xâm chiếm lấy trái tim tôi. Tôi bước đi mà nước mắt cứ dâng trào thương tiếc...

Video: Chị Nguyễn Thị Nhuần bày tỏ cảm xúc của mình trong ngày lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Gần 1 tuần qua, gia đình tôi cũng như nhiều người dân khác sống trong niềm tiếc thương vô hạn. Càng đau xót, tôi lại có thời gian nhìn lại cuộc đời cống hiến không mệt mỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghĩ đến những giây phút cuối đời bên giường bệnh, bác Trọng vẫn miệt mài lo cho nước, cho dân, nghĩ đến những lời dạy của bác..., tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó hơn chỉ là đau buồn. Với vai trò là cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh đang được phân công nhiệm vụ chủ trì Chuyên đề “Sưu tầm thân thế, sự nghiệp Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông" nhằm phục vụ cho sự kiện kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông và đón nhận bằng vinh danh của UNESCO, tôi thêm động lực để nỗ lực hơn nữa hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ này. Đồng thời, học tập tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tận tụy, mẫn cán hơn nữa với nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Trát (SN 1934 – đảng viên cao tuổi, ở xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà): Cảm giác mất mát, đau thương vô hạn

a1.jpg
Ông Nguyễn Hữu Trát ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà).

Năm 1969, khi Bác Hồ qua đời, tôi đang công tác tại Tiểu đoàn 25B - Quân khu II. Nhận tin Bác mất, cũng như quân dân cả nước, cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị của tôi đều bàng hoàng, đau xót trước nỗi đau, mất mát quá to lớn ấy. Những ngày ấy, đơn vị treo cờ rủ, làm lễ truy điệu hết sức trang trọng. Mỗi cán bộ, chiến sỹ được phát một chiếc băng tang và chúng tôi đeo trên cánh tay áo để tang Bác trong một tuần liền.

Khi bất ngờ nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần thông qua chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, cảm giác mất mát, đau thương vô hạn lại trở về trong tôi. Mấy ngày hôm nay, tôi theo dõi sát sao những thông tin liên quan đến lễ tang, lễ viếng, nơi an táng của Tổng Bí thư. Càng theo dõi bao nhiêu lại càng thương nhớ bấy nhiêu.

a2.jpg
Ông Nguyễn Hữu Trát treo cờ rủ trong ngày Quốc tang.

Tiếc thương một người tài đức vẹn toàn, một vị lãnh đạo tài ba, suốt đời cống hiến cho dân, cho nước, gia đình tôi đã treo cờ rủ để tưởng nhớ, để tang Tổng Bí thư. Tôi cũng nhắc nhở con cháu, chấp hành quy định trong những ngày Quốc tang để tỏ lòng tôn kính với Tổng Bí thư. Các con cháu tôi hiện nay đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị. Tôi luôn căn dặn con cháu dù làm ở lĩnh vực nào cũng phải giữ vững, phát huy bản lĩnh, trách nhiệm của người đảng viên, noi gương các thế hệ vĩ đại đi trước để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Ông Hồ Văn Quý (SN 1963 - nông dân ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà): "Vang mãi tên người với nước non"

a3.jpg
Ông Hồ Văn Quý ở thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc, Lộc Hà).

Là một nông dân nhưng đồng thời cũng từng là người lính hải quân tham gia quân ngũ từ năm 1981-1984, hơn hết, tôi hiểu được vai trò của việc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Vì vậy, sự cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho dân tộc, dành cả cuộc đời tận trung, tận hiến để đất nước được phồn vinh, no ấm như hôm nay là điều mà tôi và hàng triệu người dân Việt Nam đều cảm nhận được. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo cao nhất của Đảng mà mỗi người dân như tôi đều cảm thấy tin tưởng và tự hào.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, ngay sau khi bác mất, tôi đã trăn trở để làm bài thơ tặng vị lãnh đạo đáng kính: "Tận tụy suốt đời với nước non/Giờ đây bóng bác mãi không còn/ Người về chín suối lòng thanh thản/ Kẻ ở trần gian dạ héo mòn/ Giông tố bao phen càng đứng vững/ Phong ba mấy bận giữ lòng son/ Bác đi để lại tình thương nhớ/ Vang mãi tên người với nước non".

Video: Ông Hồ Văn Quý đọc bài thơ tự sáng tác kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những câu thơ này là nén tâm hương thành kính tôi muốn dâng lên anh linh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cũng như người dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ công ơn, nỗ lực phấn đấu trong mỗi việc làm để noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Anh Võ Đức Lương - công nhân Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải (TX Kỳ Anh): Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương soi đường, dẫn lối cho chúng tôi

a4.jpg
Anh Võ Đức Lương - công nhân Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải.

Từ khi nghe tin buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến hôm nay là ngày Quốc tang, công ty chúng tôi đã tiến hành treo cờ rủ, dừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí để thể hiện niềm tiếc thương và tri ân đối với sự ra đi của ông.

Anh em công nhân ở phân xưởng, mỗi lúc giải lao đều tranh thủ đọc tin tức về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong rất nhiều câu chuyện giản dị về ông, tôi nhớ mãi câu chuyện về chiếc áo khoác sờn gấu mà bác mặc từ năm 2016. Nhìn những hình ảnh đó mà cảm giác cứ nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng.

Video: Anh Võ Đức Lương chia sẻ về hoạt động của công ty trong ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bác Trọng sống một đời liêm khiết, chính trực, là người lãnh đạo hết mực vì Nhân dân, vì đất nước. Sự ra đi của bác là sự mất mát lớn lao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Đối với thế hệ công nhân trẻ như chúng tôi, bác là tấm gương soi đường để chúng tôi luôn phấn đấu, chung tay xây dựng quê hương, đất nước, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ - Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Quỳnh Viên (xã Thạch Hải - Thạch Hà): Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí để tưởng nhớ Tổng Bí thư

a5.jpg
Anh Nguyễn Tuấn Vũ - Giám đốc KDL sinh thái Quỳnh Viên.

Đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, trong những ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công ty chúng tôi đã có những thay đổi trong cách thức điều hành, phục vụ du khách để phù hợp với quy định chung.

Theo đó, tại khuôn viên khu resort đã treo cờ rủ mấy ngày hôm nay để tỏ lòng thương tiếc, tôn kính của tập thể nhân viên đối với Tổng Bí thư. Đối với hoạt động kinh doanh, ban giám đốc đã quyết định tạm dừng việc tổ chức lễ hội hái sim, câu cá, các hoạt động vui chơi giải trí trong thời gian Quốc tang.

Những khách hàng đã đặt dịch vụ lưu trú, ăn uống từ trước, chúng tôi tiến hành đàm phán để khách tạm hoãn, chuyển lịch. Những trường hợp vì điều kiện khách hàng không thể hoãn được thì chúng tôi chỉ cho phép khách triển khai các hoạt động trong khuôn khổ nội bộ như tiệc ăn uống đơn giản; không tổ chức team building, cắm trại, bắn pháo hoa hay sử dụng loa đài, hát hò…

Cũng trong dịp này, chúng tôi đã tổ chức cho nhân viên các bộ phận đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ, các địa chỉ đỏ để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ, các bậc tiền nhân đã hy sinh, đóng góp cho nền độc tập, tự do của Tổ quốc.

Chủ đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đọc thêm

Hơn 30 năm canh giữ “mắt thần” của biển

Hơn 30 năm canh giữ “mắt thần” của biển

Với ông Nguyễn Đăng Sỹ - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), công việc canh “mắt thần” luôn sáng giữa biển khơi tuy thầm lặng nhưng cũng đầy tự hào, thiêng liêng.
Chuyện đời xúc động của một cựu tù Côn Đảo

Chuyện đời xúc động của một cựu tù Côn Đảo

Trở về từ chiến trường với thương tật nặng nề, nhưng thương binh Trần Văn Xuân ở xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã vượt qua tất cả nhờ tình yêu thương của người vợ là bà Võ Thị Nhân.
Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu từ kinh tế vườn đồi

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu từ kinh tế vườn đồi

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Năm (SN 1956, tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, điển hình về ý chí vươn lên của người thương binh "tàn nhưng không phế"...
Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.