Ngân hàng Hà Tĩnh nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

(Baohatinh.vn) - Cải cách thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ ở mức nhanh nhất, chủ động tư vấn và đưa ra giải pháp tài chính cho khách hàng... là những giải pháp được ngành ngân hàng Hà Tĩnh triển khai để tiếp vốn ra nền kinh tế.

Cố gắng vượt qua những tác động xấu từ suy thoái kinh tế toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực để duy trì, phát triển chuỗi cung ứng, sớm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023, tạo đà cho những chiến lược kinh doanh mới. Để có thêm “sức chiến đấu”, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đề nghị các tổ chức tín dụng tạo điều kiện tiếp vốn.

Ngân hàng Hà Tĩnh nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đang nỗ lực tiếp vốn, cùng doanh nghiệp “tăng tốc” với các chiến lược đầu tư.

Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Giang Thắng (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh) chuyên kinh doanh, phân phối mặt hàng tiêu dùng cho hàng ngàn cơ sở kinh doanh trong tỉnh.

Bà Đậu Thu Giang – Giám đốc công ty cho biết: “Trước nhu cầu phát triển thị trường, doanh nghiệp vừa vay hàng tỷ đồng tại Vietcombank Hà Tĩnh để mở rộng kho bãi, hạ tầng, đầu tư gia tăng quy mô hàng hoá. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân lớn nên tình hình kinh doanh của đơn vị dự báo có nhiều thuận lợi".

Hiện nay, Vietcombank Hà Tĩnh đang tiếp vốn cho gần 7.500 khách hàng, trong đó có gần 1.000 doanh nghiệp; tổng dư nợ toàn chi nhánh đến nay đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Cán bộ, nhân viên chi nhánh chủ động tư vấn và đưa ra giải pháp về tài chính cho khách hàng, hỗ trợ họ hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.

Về phía ngân hàng sẽ tinh giản các thủ tục giấy tờ, đẩy các giao dịch lên kênh số, tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc theo dõi, kiểm soát dòng tiền trên tài khoản tại ngân hàng. Ngoài ra, Vietcombank áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất bao gồm cả khách hàng kinh doanh và khách hàng vay phục vụ đời sống, mức lãi đã giảm từ 3 - 4% so với thời điểm đầu năm”.

Ngân hàng Hà Tĩnh nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

Tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh hiện đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Xác định tăng trưởng tín dụng là giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã chủ động và nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tăng quy mô tín dụng.

Ông Dương Minh Hà – Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: “Chi nhánh có các chính sách áp dụng lãi suất phù hợp, triển khai các chương trình, chính sách ưu đãi của Chính phủ, của Agribank để duy trì khách hàng truyền thống và mở rộng khách hàng mới. Cùng đó, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương… để tiếp cận cho vay các dự án, mô hình kinh tế, chương trình cho vay tín dụng xanh... Đến ngày 12/8/2023, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 13.200 tỷ đồng với 41.675 khách hàng thụ hưởng”.

Công ty TNHH Kim Khí Bắc miền Trung (huyện Thạch Hà) chuyên kinh doanh, phân phối mặt hàng vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp này đang được Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho vay hàng chục tỷ đồng để mở rộng quy mô hoạt động.

Theo đại diện Công ty TNHH Kim Khí Bắc miền Trung, thời điểm này đang là cao điểm mùa xây dựng. Ngoài nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở trong dân, các dự án đầu tư công cũng đang được đẩy nhanh tiến độ nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng khá lớn. Trước bối cảnh đó, ngân hàng đã thẩm định, gia tăng hạn mức tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập về kho lượng hàng hoá lớn để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Ngân hàng Hà Tĩnh nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp tham gia sản xuất, nhu cầu vay vốn đầu tư càng cao. Thời điểm này, để duy trì bền vững chuỗi liên kết với 18 trang trại vệ tinh ở các huyện Đức Thọ, Can Lộc, tạo việc làm ổn định cho lượng lớn lao động địa phương, Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh đang được ngân hàng hỗ trợ vốn.

Theo ông Nguyễn Hữu Đông – Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh, quý I và đầu quý II/2023, đơn vị đối mặt nhiều khó khăn khi giá lợn hơi xuống thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng trên 30%. Tuy vậy, hiện nay giá lợn hơi trên địa bàn đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, doanh nghiệp đã chủ động tăng đàn, tăng sản lượng với mục tiêu sớm cán đích 118 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm.

Theo ghi nhận, khối ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Tĩnh cũng đang tích cực đưa vốn ra nền kinh tế những tháng cuối năm. Các giải pháp được ưu tiên triển khai như: cải cách thủ tục hành chính, tinh giản các thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh chuyển đổi số, xử lý hồ sơ khách hàng ở mức nhanh nhất kể từ khi tiếp nhận thông tin... Một số tổ chức tín dụng trên địa bàn có dư nợ lớn như: ACB gần 3.200 tỷ đồng, VPBank khoảng 2.000 tỷ đồng, MB Bank, Sacombank đều trên 1.600 tỷ đồng...

Nhìn chung, thời gian qua, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã nỗ lực, quyết tâm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng trên địa bàn cũng như của cả nước có xu hướng tăng trưởng tương đối chậm, phản ánh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 4,76% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng Hà Tĩnh nỗ lực “bơm vốn” cho nền kinh tế

Các doanh nghiệp cần nhiều vốn để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm.

Tại Hà Tĩnh, đến 31/7/2023, tổng dư nợ đạt 91.500 tỷ đồng, chỉ tăng 4,93% so với cuối năm 2022. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đặt ra trong năm 2023 (tăng 14 – 16% so với cuối năm 2022), đòi hỏi quyết tâm cao của các tổ chức tín dụng.

Những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.