Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán, gia đình chị Phan Thị Xuân (xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) đã xuất bán 30 con lợn với trọng lượng từ 80 - 90kg/con. Ngay sau khi xuất bán, chị Xuân đã vệ sinh hệ thống chuồng trại và triển khai nhập đàn lợn mới về để nhanh chóng ổn định lại hoạt động chăn nuôi.
Chị Phan Thị Xuân (xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) vừa nhập đàn lợn mới về để chăn nuôi.
Chị Xuân cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe của đàn lợn mới, đối với hệ thống chuồng trại, gia đình xử lý chất thải cũ theo đúng quy định như: khơi thông cống rãnh, tránh ẩm ướt; vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ nền chuồng, sàn, tường bằng vôi bột và hóa chất Cloramin B... Chúng tôi đang hi vọng giá cám chăn nuôi trong năm nay sẽ giảm để thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc, phát triển quy mô đàn lợn”.
Người chăn nuôi ở Lộc Hà thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trước khi thả gia súc, gia cầm vào chuồng.
Vừa nhập bổ sung thêm 8 con bò, anh Trần Xuân Long (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: “Vừa qua, giá bò ổn định nên việc xuất bán của người chăn nuôi tương đối dễ dàng, đem lại nguồn thu khá lớn cho gia đình. Nhờ vậy, ngay sau tết, tôi đã có thể đầu tư một lần 8 con bò nuôi mới với số vốn gần 160 triệu đồng. Nếu thuận lợi, sau khoảng 8 - 10 tháng, bò có thể đạt trọng lượng 500 - 600kg, cao gấp 2 lần so với giống bò thông thường và có thể cho xuất bán”.
Ông Phan Xuân Phượng - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc thông tin: “Hiện nay, huyện không có phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm phát triển chăn nuôi, huyện đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng an toàn dịch bệnh; rà soát, thống kê số lượng, sản lượng; đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh phát sinh để có khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân”.
Những năm gần đây, nhiều nông dân lựa chọn nuôi bò 3B do ngoại hình đẹp, trọng lượng cơ thể lớn, cơ bắp săn chắc, thịt thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Tại Cẩm Xuyên, thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người chăn nuôi cũng đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tái đàn, ổn định lại sản xuất.
Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Cách đây ít hôm, HTX đã tiến hành tách mẹ hơn 200 lợn giống (đạt trọng lượng 7 - 10 kg/con), đưa vào khu chăn nuôi riêng để duy trì tổng đàn lợn thịt. Đồng thời, cơ sở đã lên kế hoạch để thay thế 30% đàn nái trong năm 2022 nhằm đảm bảo chất lượng con giống tốt nhất. Đơn vị cũng luôn chú trọng việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn lợn, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn và tuân thủ chặt chẽ việc tiêm phòng vắc - xin”.
HTX Minh Lộc đưa 200 con lợn giống (7 - 10kg/con) vào khu chăn nuôi riêng để tái ổn định lại đàn lợn thịt.
Theo ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết ẩm ướt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm rất cao. Vì thế, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương tập trung theo dõi tình hình dịch bệnh, quá trình tái đàn cần gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò...; đồng thời chủ động bố trí nguồn lực triển khai tiêm phòng vắc - xin định kỳ đợt 1/2022 cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo tỷ lệ, chất lượng…
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cần được quan tâm trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, dễ phát sinh, lây lan mầm bệnh.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn; khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý chất thải, sát trùng dụng cụ chăn nuôi… trước khi đưa giống mới về.
Đặc biệt, khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn.