Ông Trần Viết Thoại có đàn lợn đạt từ 80 - 90kg/con, đưa nguồn thu lớn cho gia đình trong dịp cuối năm.
Ông Trần Viết Thoại (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) sẵn sàng chờ thương lái đến để bán 12 con lợn có trọng lượng từ 80 - 90 kg/con. Ông Thoại cho biết: “Sau một thời gian cầm chừng ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg thì 2 tuần trở lại đây giá lợn đã “nhích” lên, đạt mức 54.000 - 56.000 đồng/kg. Chúng tôi rất mừng vì với mức giá này, người dân mới thực sự có lãi do chi phí đầu vào như thức ăn, phòng dịch tăng cao”.
Tại Can Lộc, nhiều hộ dân cũng chuẩn bị xuất bán ra thị trường số lượng lớn lợn hơi để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm.
Ông Trần Văn Việt (xã Sơn Lộc, Can Lộc) cho biết: “Hiện trong chuồng của gia đình đang có 25 con lợn đạt từ 75 - 85 kg/con và đã được thương lái đặt cọc, dự kiến sẽ thu về khoảng 110 - 120 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu lớn của gia đình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến đời sống, hoạt động sản xuất”.
HTX Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) tập trung chăm sóc đàn lợn để xuất bán trong những ngày tới.
Không chỉ chăn nuôi nông hộ mà các gia trại, trang trại quy mô lớn tại Hà Tĩnh phấn khởi vì giá lợn quay đầu tăng trở lại vào thời điểm cận tết Nguyên đán.
Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Nhờ siết chặt công tác phòng dịch, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về chuyên môn nên hiện tại, tổng đàn hơn của HTX đang phát triển ổn định. Dự kiến, từ nay đến 26 tháng Chạp, chúng tôi sẽ xuất khoảng 200 - 250 con lợn trọng lượng từ 90 - 100kg. Chúng tôi đang kỳ vọng giá lợn hơi sẽ tăng lên từ 57.000 – 58.000 đồng/kg trong thời gian tới. Vì chi phí phòng dịch phát sinh, giá thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng bị đội rất nhiều nên với mức giá này chúng tôi mới có lãi để đảm bảo cho hoạt động của HTX”.
Được biết, bên cạnh việc tập trung để xuất bán lợn hơi thì công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng được các cơ sở chăn nuôi lớn thực hiện tốt để đảm bảo an toàn cho công tác tái đàn trong giai đoạn tiếp theo.
Công tác phòng dịch được các trang trại lớn quan tâm trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Ông Lê Văn Bàng (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) cho biết: “Chúng tôi thực hiện nuôi lợn thương phẩm liên kết với Công ty CP (Thái Lan) với tổng đàn trên 1.800 con, vì thế, công tác phòng chống dịch bệnh càng được quan tâm. Việc phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát hoạt động mua bán ra ngoài, hạn chế tiếp xúc tối đa với môi trường được chủ động thực hiện tốt; xuất bán lợn được thực hiện bên ngoài chuồng bằng lối đi riêng”.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Khắc Khánh: Hà Tĩnh đang có tổng đàn lợn đạt hơn 408.000 con, tăng hơn 3.300 con so với thời điểm cuối năm 2020, nguồn cung thịt khá dồi dào. Đối với mức giá bán hiện nay, người chăn nuôi mới có lãi vì các chi phí phát sinh như thuốc, thức ăn, phòng dịch... đang “neo” ở mức cao trong thời gian qua.
Hiện nay, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng trên phạm vi cả nước nên Hà Tĩnh cũng đang chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo nhận định, do tác động của COVID-19, sức mua của người dân có phần kém hơn nên sự biến động về giá sẽ không mạnh so với mọi năm.
Thời điểm này, số lượng lợn về các lò mổ trên địa bàn tỉnh đang tăng cao.
“Trong lúc dịch bệnh trên gia súc còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan ra diện rộng, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch, hướng dẫn người dân xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn, nhất là thời điểm cận tết; chính quyền địa phương phải có trách nhiệm theo dõi để kịp thời báo cáo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật” - ông Khánh cho biết thêm.
Theo ghi nhận, thời điểm này, giá lợn hơi tăng nhưng tại các chợ dân sinh như: chợ TP Hà Tĩnh, chợ Nghèn (Can Lộc), chợ Cày (Thạch Hà)… giá thịt lợn vẫn duy trì ổn định ở mức 80.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, không tác động nhiều đến hoạt động tiêu dùng của người dân dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán 2022. |