Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chính sách theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung, qua đó, góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, lũy kế từ ngày 13/3/2020 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 1.102 tỷ đồng cho 1.572 khách hàng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 347 tỷ đồng cho 464 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 1,61 tỷ đồng).
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn thực hiện giảm, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 100.158 khách hàng với tổng giá trị nợ 47.392 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ 151 tỷ đồng (mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5% - 2,5%/năm).
Cùng đó, hệ thống ngân hàng ở Hà Tĩnh cũng tạo điều kiện cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt hơn 90.973 tỷ đồng.
Đồng hành “gỡ khó” cho doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện giải ngân cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với doanh số cho vay đạt 5,486 tỷ đồng.
Được sự hỗ trợ của ngân hàng, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Nhìn chung, những giải pháp hỗ trợ từ các ngân hàng đã giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp giảm bớt phần nào áp lực về tài chính cũng như có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ đó, tiếp tục đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 30/9/2022, dư nợ toàn địa bàn ước đạt 86.812 tỷ đồng, tăng 20,95% so với cuối năm 2021, cao hơn mục tiêu tăng trưởng dư nợ toàn ngành (mục tiêu tăng 15 - 17% so với cuối năm 2021). |