Nghề “phu keo” ở Hà Tĩnh: Vất vả nhưng thu nhập khá

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, rừng keo ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đến kỳ thu hoạch, kéo theo lượng lao động từ các địa phương trong tỉnh làm thuê ngày càng đông. Nghề “phu keo” tuy vất vả nhưng nhiều người vẫn chịu khó mưu sinh bởi mang lại nguồn thu nhập khá cao.

Nghề “phu keo” giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh.

Như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Mai (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) dậy từ sáng sớm, chuẩn bị cơm đùm, đi xe máy gần 40 km lên xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê) để làm thuê, kiếm thêm thu nhập.

Chị theo nghề “phu keo” cho các chủ rừng ở đây cũng đã vài năm nay. “Nghề này không đòi hỏi gì về kỹ thuật, chỉ cần có sức khỏe và một con dao nhỏ để tách lớp vỏ cây, khuân vác keo lên xe.

Nghề này không cần vốn liếng, chỉ cần có 1 con dao nhỏ để tách vỏ...

"Mỗi ngày, làm việc từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi người cũng “kiếm” được từ 250 – 300 nghìn đồng. Tuy phải đi xa nhưng “phu keo” có việc làm ổn định, thu nhập khá hơn những công việc làm thuê khác” – chị Mai chia sẻ.

Chị Mai là phụ nữ “chân yếu tay mềm”, lại mất thời gian do phải di chuyển xa nên thu nhập hàng ngày khá “khiêm tốn”. Với một số “phu keo” địa phương, những người đàn ông có sức khỏe, lành nghề thì thu nhập cao hơn, trở thành nguồn thu chính của cả gia đình.

...và có sức khỏe để vận chuyển, sắp xếp keo lên xe.

Gia đình chị Trần Thị Hiên - chủ rừng keo ở thôn 6, xã Phúc Trạch (Hương Khê) trồng hơn 1,5 ha keo 5 năm tuổi đang cho thu hoạch. Với diện tích trên, chị thuê 12 lao động để khai thác. Lao động ở đây chủ yếu là những người dân trên địa bàn.

Chị Hiên cho biết: "Tôi giao khoán cho các lao động với số tiền 40 triệu đồng từ việc chặt cây, tách vỏ, bốc xếp... Những “phu keo” này rất lành nghề, chỉ mất hơn 5 ngày đã khai thác xong. Tính ra, mỗi người “đút túi” hơn 3,3 triệu đồng”.

Mỗi ngày “phu keo” thu nhập cho từ 250 - 300.000 đồng.

Nghề “phu keo” cho thu nhập khá nhưng cũng rất vất vả và không ít rủi ro. Mùa hè, nắng nóng gay gắt cộng với gió phơn Tây - Nam khiến nhiều người không trụ nổi. Mùa mưa thì cây keo bị ngấm nước, nặng và trơn trượt, rất dễ xảy ra tai nạn khi vận chuyển.

“Nhẹ thì vẹo vai, trầy xước, nặng hơn thì gãy tay do bốc vác cây. Một vài người đã phải bỏ nghề vì bị chấn thương; lao động công nhật không có bảo hiểm nên thu nhập hàng ngày không đủ cho chi phí điều trị” - anh Hoàng Văn Toản (xã Lộc Yên, Hương Khê) bộc bạch.

Lao động tự do làm nghề “phu keo” ngày càng đông

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh, toàn huyện hiện có khoảng 13 - 14.000 ha rừng keo. Những năm gần đây, có hơn 11.000 ha keo đến kỳ thu hoạch, kéo theo lượng lao động làm nghề “phu keo” ngày càng đông. Tuy vất vả nhưng công việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo công ăn việc làm những lúc nông nhàn cho hàng trăm lao động các địa phương.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói