Nghề thêu ở Kỳ Lợi tạo việc làm, tăng thu nhập

(Baohatinh.vn) - Dưới sự hỗ trợ của Tổ hội nghề thêu xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều chị em phụ nữ đã có thêm việc làm, nâng cao thu nhập từ nghề này.

Các thành viên trong Tổ hội nghề thêu tập trung làm các đơn hàng.

Nghề thêu tại Kỳ Lợi đã được hình thành hơn 7 năm, bắt đầu từ mô hình sản xuất của chị Nguyễn Thị Nga (thôn Đông Yên 4). Trên nền tảng sẵn có, tháng 7/2021, Hội LHPN thị xã và xã Kỳ Lợi đã cho ra mắt Tổ hội nghề thêu xã Kỳ Lợi, kết nạp gần 70 thành viên là phụ nữ tại vùng tái định cư Kỳ Lợi và một số chị em ở phường lân cận. Mô hình ra đời nhằm kết nối, phát triển thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất, phát triển thị trường, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ tại vùng tái định cư.

Đến thăm gia đình chị Mai Thị Lý (thôn Đông Yên 4, xã Kỳ Lợi), chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi những tấm vải được thêu bằng các sợi chỉ vàng, chỉ bạc lấp lánh với nhiều họa tiết độc đáo.

Chị Mai Thị Lý có thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng từ việc nhận các đơn hàng của Tổ hội nghề thêu xã Kỳ Lợi.

Chị Lý phấn khởi chia sẻ: "Sau thời gian nội trợ, chăm sóc con cái, tôi tranh thủ nhận các đơn hàng từ Tổ hội nghề thêu để kiếm thêm thu nhập. Một tháng tôi làm được từ 3-4 sản phẩm, cho thu nhập đều đặn từ 5-6 triệu đồng. Nhiều năm nay, việc thêu tay trở thành nghề mang lại thu nhập chính của tôi”.

Cùng với chị Lý, nhiều phụ nữ xã Kỳ Lợi và các xã khác đã biết đến nghề thêu tay. Chị Trần Thị Kiều (thôn Đông Yên 4) tâm sự: "Sau khi tham gia lớp học nghề thêu, tôi đã về thực hành ngay. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, giờ tôi đã có thể thêu được nhiều kiểu khó như thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng…”.

Theo chia sẻ của nhiều chị em trong tổ thêu, dù mẫu mã được vẽ sẵn, song để thêu đẹp là cả quá trình tỉ mẩn từ cách cầm chỉ, xỏ kim, cách kéo căng sợi chỉ mà thậm chí đến cách phối màu làm sao cho được hài hòa.

Các sản phẩm thêu của Tổ hội nghề thêu xã Kỳ Lợi sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian đầu, chị em được các chuyên gia của đối tác nước ngoài sang hướng dẫn, đến nay hầu hết các chị em đã có thể thành thạo kỹ thuật, kể cả kỹ thuật khó. Chị Nguyễn Thị Nga - Tổ trưởng Tổ hội nghề thêu xã Kỳ Lợi nổi danh với nhiều đóng góp. Suốt hơn 7 năm qua, chị đã kết nối truyền nghề cho biết bao chị em mưu sinh từ đường kim mũi chỉ.

Chị Nga chia sẻ: “Không chỉ ở Kỳ Lợi mà các chị em ở Kỳ Long, Kỳ Thịnh cũng tìm đến tổ để học nghề. Hiện nay, mỗi tháng tổ đều xuất khẩu hơn 200 sản phẩm thêu tay sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho gần 70 chị em, với mức 5-6 triệu đồng/chị em mỗi tháng”.

Từ chỗ chỉ một nhóm nhỏ, nay Tổ hội nghề thêu đã thu hút gần 70 chị em phụ nữ tại xã Kỳ Lợi và một số xã, phường lân cận. Học nghề thêu tay đã khó nhưng “sống” được với nghề này càng khó hơn. Những người phụ nữ vùng biển quen với sóng gió tưởng chừng như khó thích ứng nay lại tạo ra những sản phẩm khéo léo, tỉ mẫn trên những khung thêu. Tổ hội nghề thêu không chỉ nâng cao thu nhập cho chị em mà còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa mới trong đời sống của người phụ nữ nơi đây.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thị xã tham quan Tổ hội nghề thêu xã Kỳ Lợi.

Nghề thêu rất phù hợp với phụ nữ ở vùng tái định cư bởi vừa đảm bảo được công việc sản xuất, chăm sóc gia đình, vừa có thể tranh thủ làm thêm nghề để tăng thu nhập. Hiện nay Tổ hội nghề thêu đang tiếp tục mở rộng quy mô để thu hút đông đảo chị em ở các vùng lân cận tham gia.

Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Lợi Mai Thị Khuyên

Chủ đề An sinh xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói