Những đứa trẻ nương cửa chùa
Chùa yên bình rợp bóng cây xanh, thảng hoặc từng hồi chuông ngân lên trong không gian tĩnh mịch. Bầu không khí bị phá vỡ bởi tiếng ồn ào náo nhiệt của trẻ con. Đại đức Thích Hạnh Nhẫn - trụ trì chùa nói: “Bọn trẻ đi học về rồi đấy!”
Các chú tiểu được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa
Đó là những đứa trẻ được chùa Yên Lạc cưu mang, nuôi dạy từ khi còn nhỏ. Đại đức Thích Hạnh Nhẫn cho biết: “Năm 2010, chùa nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên, đến nay đã có 13 cháu lớn lên ở đây. Hầu hết các cháu là trẻ mồ côi được người thân mang đến gửi hoặc bị bỏ rơi tại cổng chùa”.
2 tuổi, Trần Nhật Sang (SN 2008) đã được mẹ đưa đến nương nhờ cửa chùa. Ly hôn với người chồng ở miền Nam, một mình mẹ Sang bế hai đứa con về quê nhà ở Hương Khê. Cuộc sống quá khó khăn, tủi cực, đã có lúc người phụ nữ ấy nghĩ quẩn, tìm đến cái chết để giải thoát cho cả ba mẹ con.
Với cậu bé Trần Nhật Sang, chùa Yên Lạc là gia đình duy nhất và Đại đức Thích Hạnh Nhẫn cùng các chú tiểu là người thân.
Trong một chuyến thiện nguyện ở Hương Khê, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn biết đến hoàn cảnh của ba mẹ con, thầy đã nhận nuôi em Sang, còn chị gái của Sang thì được thầy gửi ra một ngôi chùa ở Hà Nội nuôi dưỡng. Cũng từ đó, Sang chỉ có gia đình duy nhất là chùa Yên Lạc và Đại đức Thích Hạnh Nhẫn cùng các chú tiểu là người thân.
Hỏi Sang có nhớ mẹ không, em hồn nhiên trả lời: “Em không nhớ mặt mẹ nữa, mẹ chẳng bao giờ về thăm em cả. Chùa Yên Lạc là gia đình của em!”
Một bữa cơm ấm áp, vui vẻ của các chú tiểu
Dù không phải lớn tuổi nhất nhưng lại rất ra dáng “anh cả” của nhóm, cậu bé Vũ Long (SN 2004) lúc nào cũng nghiêm nghị, luôn nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh. Long cũng không biết gia đình mình là ai, chỉ biết cậu đến từ TP Vinh (Nghệ An) và được nuôi dưỡng ở đây rất lâu rồi. “Nó học lớp 9 rồi, ngoan và học giỏi lắm!” – Đại đức Thích Hạnh Nhẫn nói về Vũ Long.
Cũng như Sang, Long, những chú bé bất hạnh được nhà chùa nhận về nuôi dưỡng từ nhỏ, đến tuổi đi học thì vào các trường trên địa bàn. Mọi chi phí từ ăn uống, sinh hoạt, học phí đều do nhà chùa chu cấp.
Ngoài giờ lên lớp, giờ tụng kinh niệm Phật, các chú tiểu cũng hồn nhiên bắn bi, trốn tìm cùng nhau.
Vừa nghiêm khắc, vừa nhân từ, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn không chỉ nhận nuôi dưỡng mà còn dạy giáo lý nhà Phật, những điều lành điều thiện, kỹ năng sống cho những đứa trẻ kém may mắn.
Ngôi chùa của niềm an lạc
Bà Võ Thị Tín (xã Cẩm Nhượng) trước nay làm nghề nấu rượu bán tại địa phương, chồng bà là bảo vệ của chùa Yên Lạc.
Bà Tín tìm được cho mình một công việc và sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Gia cảnh vợ chồng bà khó khăn, thu nhập bấp bênh, nghề nấu rượu cũng không được khuyến khích.
Mấy năm nay, bà được nhà chùa nhận vào làm công việc nấu nướng cho các chú tiểu. “Vừa tạo công ăn việc làm cho bà, vừa để bà từ bỏ nghề nấu rượu” - Đại đức Thích Hạnh Nhẫn nói.
Bà Tín chia sẻ: “Được nhận vào chùa làm, vợ chồng tôi không chỉ có thu nhập mà còn được Đại đức Thích Hạnh Nhẫn cưu mang, dạy bảo những điều hay lẽ phải. Sống ở chùa, được hưởng ân đức nhà chùa, tâm tính mình càng thêm hướng thiện”.
Đại đức Thích Hạnh Nhẫn là người đã kết nối nhiều mạnh thường quân, nhà chùa trên cả nước để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Không chỉ nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cưu mang những người khó khăn, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn còn rất tích cực làm thiện nguyện. Từ việc làm cầu nối đến các nhà hảo tâm, nhà chùa trên cả nước, cho đến tự bỏ tiền túi, thầy Hạnh Nhẫn không quản ngại khó khăn, mang nhiều niềm vui, sự sẻ chia đến cho những mảnh đời bất hạnh.
Chùa Yên Lạc - ngôi chùa mang niềm an lạc cho những mảnh đời bất hạnh.
Từ đầu năm đến nay, thầy đã đón hơn 10 đoàn từ thiện đến từ mọi miền trên cả nước, phát hơn 6.000 phần quà cho bà con vùng bão lũ, người nghèo. Cũng từ những chuyến thiện nguyện đó, nhiều em nhỏ mồ côi đã tìm được về cửa chùa nương náu.
Không chỉ là nơi cất giữ những hiện vật cổ, lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh, chùa Yên Lạc đúng như tên gọi, còn là ngôi chùa mang đến niềm an lạc cho những con người kém may mắn trong cuộc đời.