Con cá đuối khổng lồ ngư dân Campuchia phát hiện trên sông Mekong - Video: THE GUARDIAN
Theo Hãng tin Reuters ngày 20-6, được đặt tên Boramy (có nghĩa “trăng tròn” trong tiếng Khmer vì hình dạng giống củ hành), con cá đuối gai nặng 300kg, dài 4m đã được thả trở lại sông sau khi được gắn thẻ điện tử để cho phép các nhà khoa học theo dõi chuyển động và hành vi của nó.
“Đây là tin tức rất thú vị vì đó là con cá (nước ngọt) lớn nhất thế giới” - nhà sinh vật học Zeb Hogan, người dẫn chương trình “Monster Fish” trên kênh National Geographic hiện đang tham gia một dự án bảo tồn trên sông Mekong, bình luận.
Con cá nước ngọt lớn nhất thế giới “Boramy” trong ảnh chụp ở Campuchia ngày 14-6 - Ảnh: REUTERS
“Đó là tin thú vị cũng bởi việc phát hiện con cá có nghĩa là đoạn sông Mekong này vẫn còn trong lành. Nó làm dấy lên hy vọng những con cá khổng lồ này vẫn sống ở đây”, ông nói thêm.
Một ngư dân Campuchia đã bắt được “Boramy” vào tuần trước gần đảo Koh Preah, một hòn đảo dọc theo đoạn sông Mekong ở phía bắc Campuchia, sau đó thông báo cho một nhóm nhà khoa học dự án bảo tồn “Những kỳ quan sông Mekong”.
Các nhà khoa học đã đến vài giờ sau khi nhận được một cuộc gọi lúc nửa đêm, và họ rất ngạc nhiên về những gì trước mắt.
“Đúng vậy, khi bạn nhìn thấy một con cá có kích thước như thế này, đặc biệt ở nước ngọt, là điều rất khó tin. Vì thế cả đội ngũ của chúng tôi đều kinh ngạc“- ông Zeb Hogan, cũng là trưởng nhóm dự án”Những kỳ quan sông Mekong", nói.
Con cá đuối khổng lồ nặng 300kg trong ảnh chụp với các nhà khoa học quốc tế, các quan chức ngành thủy sản Campuchia và dân làng tại đảo Koh Preah ở phía nam tỉnh Stung Treng, Campuchia vào ngày 14-6 - Ảnh: REUTERS
Con cá đuối gai nói trên đã phá kỷ lục thiết lập bởi một con cá da trơn khổng lồ nặng 293kg được đánh bắt ở thượng nguồn ở miền bắc Thái Lan vào năm 2005. Theo các nhà khoa học đến từ Campuchia và Mỹ, “Boramy” là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng được ghi nhận.
Theo Hãng tin AP, cá nước ngọt được định nghĩa là những loài cá sống cả đời trong nước ngọt, trái ngược với các loài sinh vật biển khổng lồ như cá ngừ vây xanh và cá marlin hoặc cá di cư giữa nước ngọt và nước mặn như cá tầm beluga khổng lồ.
Theo Ủy hội sông Mekong, sông Mekong có số lượng cá đa dạng thứ 3 trên thế giới, mặc dù việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm, nước mặn xâm nhập… đã khiến trữ lượng cá giảm mạnh.