Xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) là địa phương từng chịu thiệt hại khá nặng nề do dịch viêm da nổi cục với 348 con bò nhiễm bệnh và 72 con bò bị chết. Với nỗ lực khống chế của chính quyền, ngành chuyên môn và người dân, đến nay, dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát.
Tổng đàn bò của xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) hiện đạt gần 3.000 con.
Ông Hà Huy Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ cho biết: “Tổng đàn bò toàn xã hiện đạt gần 3.000 con (tăng trên 300 con so với thời điểm tháng 4/2021 – cao điểm dịch bệnh). Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn đang tập trung nguồn vốn để đầu tư tăng đàn, phục vụ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Để đồng hành cùng người chăn nuôi, địa phương đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đối với những vật nuôi trong diện tiêm phòng. Xã sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, kiểm soát tổng đàn, ký cam kết đến từng hộ nuôi không dấu dịch và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Hiện nay, các xã có lợi thế chăn nuôi bò ở Cẩm Xuyên như: Cẩm Duệ, Cẩm Thịnh, Cẩm Quan… cũng đang tăng đàn bò sau khi nhận định những điều kiện thuận lợi.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có tổng đàn bò lớn của tỉnh. Thời gian qua, người chăn nuôi toàn huyện đã tái đàn, tăng đàn sau dịch và đã cơ bản khôi phục tổng đàn bò so với thời điểm trước dịch viêm da nổi cục (tháng 11/2020) với 12.700 con. Hiện nay, người dân đang có xu hướng tăng đàn bò nên chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để họ chấp hành nghiêm túc các biện pháp chăm sóc, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi”.
Xã Thượng Lộc (Can Lộc) cũng là địa phương có nhiều lợi thế trong chăn nuôi gia súc. Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Dịch viêm da nổi cục đã được kiểm soát tốt trong thời gian dài, hơn nữa hiện nay nhu cầu sử dụng thịt bò tăng cao, giá cả ổn định là những dấu hiệu tích cực để người chăn nuôi bò mạnh dạn đầu tư chi phí tăng đàn. Theo đó, tổng đàn bò của xã hiện đạt gần 2.000 con và thời gian tới dự báo còn tiếp tục tăng”.
Gia đình anh Mai Xuân Quang (xã Thượng Lộc - Can Lộc) đang tăng đàn bò phục vụ thị trường tết.
Anh Mai Xuân Quang (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc) là hộ chuyên chăn nuôi bò thịt cung cấp cho thị trường. Hiện nay, ngoài nguồn vốn tích góp được, anh Quang đang vay mượn thêm để tiếp tục đầu tư tăng đàn, đảm bảo nguồn hàng cung cấp dịp cuối năm.
Anh Quang cho hay: “Thời gian qua, sức tiêu thụ kém trong khi giá thức ăn cao nên gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng 2 con bò. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thịt bò đã tăng, “đon” thị trường tết Nguyên đán, chúng tôi tăng đàn lên 5 con và đang tính toán để tiếp tục đầu tư khoảng 80 triệu đồng mua thêm 3 con".
Để đảm bảo an toàn cho bò nuôi, các địa phương cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định.
Tại các địa phương có tiềm năng về chăn nuôi như: Kỳ Anh, Thạch Hà.., người dân cũng đã cân đối chi phí để tăng đàn bò gắn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Chị Hoàng Thị Duấn (thôn Phú Sơn, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) cho hay: “Nhà tôi có trang trại chuyên nuôi bò thịt. Nhiều tháng qua, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được kiểm soát, song, sức mua cầm chừng do dịch bệnh COVID-19 nên gia đình chưa dám tăng đàn. Hiện nay, thị trường thịt bò đã sôi động hơn nên gia đình đã đầu tư kinh phí tăng đàn lên 14 con”.
Được biết, tổng đàn bò của Hà Tĩnh hiện đạt trên 167.000 con. Thời gian qua, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân đã tăng đàn nên số lượng tổng đàn này đã tương đương với cùng kỳ năm 2020. Tới đây, người chăn nuôi sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí để phát triển đàn, phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần cẩn trọng bởi thời điểm giao mùa khiến các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, đàn vật nuôi thường phát sinh một số bệnh truyền nhiễm.
Người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mọi thời điểm.
Ông Phan Quý Dương - Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Để tăng sức đề kháng cho đàn bò và phòng trừ hiệu quả dịch bệnh, các địa phương cần tuân thủ lịch tiêm phòng vắc-xin theo quy định. Ngoài ra, người chăn nuôi cần bổ sung các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho đàn gia súc; cân đối lượng thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, chủ động nguồn thức ăn như: rơm khô, thân cây ngô, cỏ… để đáp ứng nhu cầu cho vật nuôi trong mọi thời điểm.
Bên cạnh đó, cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa; giữ ấm cho trâu, bò còn non; hằng ngày, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng định kỳ khu vực chăn nuôi bằng hóa chất. Theo dõi sát sao sức khỏe của đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con có biểu hiện bất thường để tách riêng điều trị và báo ngay cho cán bộ thú y kịp thời xử lý”.