Gia đình chị Phan Thị Minh (thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) năm nay đón cái tết buồn bởi ngày cận tết, 2 con bò của gia đình phát bệnh dịch viêm da nổi cục.
Chị Phan Thị Minh chia sẻ: “Bò bị bệnh nên vợ chồng tôi phải túc trực chăm sóc. Sáng mùng 1 tết, tôi vẫn phải ra đồng để cắt cỏ về cho bò ăn nhằm bổ sung chất xơ, tăng sức đề kháng cho bò. Mỗi ngày 2 lần, cán bộ thú y đều phải đến tiêm thuốc cho bò. Chi phí điều trị cho 2 con bò đã hơn 3 triệu đồng”.
Chị Phan Thị Minh ở thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ cùng lãnh đạo xã Cẩm Duệ kiểm tra sức khỏe bò bị bệnh.
Ngoài gia đình chị Phan Thị Minh, trên địa bàn xã Cẩm Duệ hiện có 9 con trâu, bò ở 5 thôn: Tân Mỹ, Tân Duệ, Thống Nhất, Quang Trung, Quốc Tiến đang bị bệnh viêm da nổi cục.
Những ngày tết, loa phát thanh của địa phương liên tục phát đi những thông tin tuyên truyền về dịch bệnh. Đồng thời, địa phương đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng 70 lít hóa chất, rải 1,2 tấn vôi bột ở các điểm bùng phát dịch và cửa ngõ vào các khu dân cư.
Bò của chị Phan Thị Minh ở thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ bị viêm da nổi cục.
Ông Lê Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: “Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò bùng phát lần đầu tiên vào ngày 7/1 và hiện nay đã lan thêm. Mặc dù địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống dịch nhưng vì loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên rất khó khăn để đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh. Khó nhất hiện nay là quán triệt tình trạng chăn thả gia súc theo bầy để kiểm soát dịch bệnh lây lan”.
Không riêng Cẩm Duệ, dịch viêm da nổi cục hiện đang lan rộng nhiều xã trên địa bàn toàn huyện. Như tại xã Cẩm Mỹ - địa phương có bò mắc bệnh đầu tiên trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, kể từ khi có dịch đến nay, toàn xã có 74 con trâu, bò của 7/8 thôn bị dịch.
“Có 21 hộ với 25 con trâu, bò đã qua 21 ngày bị dịch. Thông thường, qua 21 ngày là đã có thể công bố khỏi dịch nhưng một số con bò vẫn đang có di chứng. Những ngày đầu năm mới, trung bình cứ 2 ngày lại xuất hiện 3 con trâu, bò bị bệnh. Dịch bệnh lan rộng và rất khó kiểm soát. Những giải pháp cách ly và tăng sức đề kháng cho trâu, bò chỉ là giải pháp trước mắt còn muốn đẩy lùi dịch bệnh thì phải có vắc-xin chữa trị” - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ Hà Huy Hùng nhấn mạnh.
Toàn huyện Cẩm Xuyên có 7 con bò bị bệnh đã chết và được tiêu hủy theo quy định.
Kể từ thời điểm một vài con mắc bệnh đầu tiên ở xã Cẩm Mỹ (ngày 6/1) đến nay, toàn huyện có 9 xã với 22 thôn có trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Theo đó, các xã hiện đang có dịch gồm: Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, thị trấn Cẩm Xuyên, Yên Hòa. Tổng số trâu bò bị bệnh đến thời điểm này là 124 con (chủ yếu là bò), trong đó, có 7 con bị chết buộc phải tiêu hủy.
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên thông tin: “Đến thời điểm này, huyện đã ban hành 4 công điện, tổ chức họp triển khai và cấp phát tài liệu về phòng chống dịch cho các địa phương. Tại các xã có dịch đều đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ kiểm soát phòng chống dịch. Toàn huyện đã thực hiện phun hơn 600 lít hóa chất để vệ sinh tiêu độc khử trùng”.
Cán bộ thú y xã Cẩm Duệ tiêm thuốc tăng sức đề kháng cho trâu để chống viêm da nổi cục.
Để phòng chống dịch, Phòng NN&PTNT cũng tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi, hướng dẫn bà con chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò. Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên và các địa phương có dịch bệnh tuyên truyền người dân cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm để theo dõi và hạn chế lây lan dịch bệnh. Yêu cầu các xã báo cáo số liệu nhiễm mới hàng ngày để theo dõi và kiểm soát.
Trâu, bò vẫn được người dân huyện Cẩm Xuyên chăn thả rông trên các vùng đất bỏ hoang.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nhấn mạnh: “Hiện nay, huyện đang tập trung cao độ cho công tác phòng bệnh dịch viêm da nổi cục trên trâu bò với phương châm “phát hiện nhanh, xử lý gọn, khoanh vùng bao vây dập dịch”. Đây là dịch bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh nên rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Để khống chế dịch thì người dân không được chăn nuôi tập trung nhưng tập quán của người dân là nuôi bán nhốt nên rất khó để kiểm soát dịch bệnh lây lan”.
Thông tin mới nhất hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã nhập vắc-xin phòng bệnh và đang tiến hành tiêm thử nghiệm tại các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà. Dự kiến trong tháng 3, sau khi có kết quả tiêm thử nghiệm, huyện Cẩm Xuyên sẽ tiến hành đưa vắc-xin về tiêm trên đàn gia súc nhằm phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.