Video: Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc nói về việc xây dựng khu chăn nuôi bò nhốt tập trung
Hơn chục năm nay, gia đình ông Nguyễn Chỉ Mai (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc) chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt tại chuồng.
Trong điều kiện nhà có ít người và các đồng cỏ đang bị thu hẹp, ảnh hưởng tới việc chăn thả ngoài đồng thì việc nuôi nhốt đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Gia đình ông Nguyễn Chỉ Mai đang nuôi nhốt 2 con bò và khu vực chuồng chỉ cách nhà ở khoảng 7m.
Thời điểm này, ông Mai đang nuôi nhốt 2 con bò. Tuy nhiên, chuồng và khu vực chứa chất thải của bò chỉ cách nơi ăn ở, sinh hoạt của vợ chồng ông Mai khoảng 7m. Điều này dẫn tới mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh từ việc chăn nuôi ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình.
“Tôi cũng cố gắng quét dọn chuồng và đưa chất thải của bò tập trung một khu vực, rồi hàng tháng vận chuyển ra đồng ruộng một lần nhưng cũng không thể giữ sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh cho gia đình”, ông Mai cho hay.
Khu vực chứa chất thải của bò nuôi nhốt tại chuồng được ông Mai thu dọn mỗi tháng 1 lần dẫn tới ruồi nhặng, mùi hôi phát sinh gây ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình ông Mai.
Cách nhà ông Nguyễn Chỉ Mai chừng 200m, gia đình anh Nguyễn Đức Nam cũng chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt với 3 con. Theo lời anh Nam, lúc cao điểm, gia đình nuôi 7 – 8 con bò.
2 khu chuồng bò được xây dựng ở ngay cổng ra vào và cách nhà ở khoảng 5m. Dù cố gắng quét dọn chuồng, thu dọn phân thải của vật nuôi mỗi ngày nhưng vẫn không thể tránh khỏi mùi hôi thối, ruồi nhặng ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình.
Khu vực nuôi nhốt bò nằm ngay trước cổng ra vào và chỉ cách nơi sinh hoạt của nhà anh Nam chừng 5m.
Tùng Lộc là địa phương có truyền thống về chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò lên tới 1.015 con. Người dân chủ yếu áp dụng hình thức nuôi nhốt tại chuồng với các giống bò có năng suất cao và có nhiều hộ nuôi bò nhốt với số lượng lớn từ 7- 8 con, thậm chí trên 10 con tại các thôn: Nam Tân Dân, Đông Quang Trung, Tây Hương, Liên Tài Năng, Minh Tiến…
Ông Nguyễn Chỉ Tùng - Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho hay: “Trong những năm qua, chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Tùng Lộc.”
Phần lớn chuồng trại chăn nuôi bò nhốt của người dân xã Tùng Lộc đều được xây dựng trong khu dân cư, thậm chí ngay gần khu vực các gia đình sinh hoạt.
Tuy vậy, do diện tích đất hạn chế nên khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân xã Tùng Lộc đều được xây dựng sát nhà ở. Do đó, chưa đáp ứng khoảng cách, quy cách chuồng trại, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của chính các hộ dân và những gia đình xung quanh.
Thời gian qua, chính quyền huyện Can Lộc và xã Tùng Lộc đã tìm các biện pháp để vừa giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo kinh tế từ việc nuôi nhốt bò tại chuồng.
Ô nhiễm môi trường từ nuôi nhốt bò ở xã Tùng Lộc là vấn đề đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Xã đã lựa chọn vùng đất ở cánh đồng thôn Nam Tân Dân với diện tích 3.000 m2 xây dựng vùng chăn nuôi bò nhốt tập trung cho khoảng 30 hộ, cách xa khu dân cư chừng 1,8km. Các hộ dân sẽ thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã để phụ trách việc chăn nuôi ở đây.
Khu chăn nuôi tập trung này không chỉ xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc ở trong khu dân cư mà còn giúp người chăn nuôi chủ động kiểm soát được dịch bệnh, tạo sự liên kết trong sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, tăng thu nhập.
Vị trí mà chính quyền địa phương dự tính xây dựng khu chăn nuôi tập trung có diện tích 3.000 m2
Qua tính toán, chi phí xây dựng vào khoảng 3 tỷ đồng, trong đó, huyện Can Lộc sẽ hỗ trợ 31,5 triệu để làm đường bê tông và 49 triệu đồng cho hệ thống đường điện; xã Tùng Lộc hỗ trợ 252 triệu đồng san lấp mặt bằng khu chăn nuôi. Việc xây dựng chuồng trại với kinh phí gần 2,7 tỷ đồng sẽ do 30 hộ dân bỏ ra.
Thời điểm đầu khi họp phổ biến phương án xây dựng vùng chăn nuôi bò nhốt tập trung, có khá nhiều hộ dân đồng ý. Tuy nhiên, thời gian sau, số lượng hộ đồng ý ngày một ít hơn. Nhiều hộ ban đầu ký xác nhận tham gia nhưng rồi cũng xin rút lui. Và tới hiện tại, chỉ có 3 hộ dân chấp thuận bỏ tiền ra xây chuồng trại ở khu chăn nuôi tập trung.
Ban đầu ông Nguyễn Chỉ Mai đăng ký tham gia vào khu chăn nuôi tập trung nhưng sau đó đã xin rút vì nhiều lý do.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn tới việc người dân xã Tùng Lộc không mặn mà với phương án xây dựng vùng chăn nuôi bò nhốt tập trung là do kinh phí mỗi hộ bỏ ra xây dựng chuồng trại là từ 70 đến 100 triệu đồng - số tiền mà theo họ là khá lớn; khu chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư nên người dân không đành lòng khi “của ở nơi này, người ở nơi khác” hay việc có một số hộ dân không yên tâm giao việc chăm sóc bò cho tổ hợp tác bởi mỗi nhà đều có cách chăm sóc khác nhau.
“Biết rằng chăn nuôi tập trung sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vì chỉ nuôi số lượng ít nên việc bỏ ra số tiền gần cả trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại tôi cũng phải tính toán trước sau, nhất là trong bối cảnh việc tiêu thụ bò còn bấp bênh và giá thức ăn đang ngày một tăng cao”, anh Nguyễn Đức Nam (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc) cho hay.
Việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh
Trước việc người dân còn đắn đo với phương án xây dựng vùng chăn nuôi bò nhốt tập trung tại xã Tùng Lộc, ông Đặng Trần Phong - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc đã yêu cầu các ban, ngành cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân; tính toán lại diện tích khu chăn nuôi tập trung; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và làm tốt công tác tuyên truyền để Nhân dân đồng tình, ủng hộ thực hiện.