Trong căn phòng chưa đầy 15 m2 - nơi làm việc của Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Nghi Xuân, tôi được người Chủ tịch Hội có gương mặt phúc hậu, thân thiện, tiếp đón nhiệt tình. Bà là Hồ Thị Xuân Hồng (SN 1955, trú ở thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, Nghi Xuân), thường được các hội viên gọi bằng cái tên thân mật: "O Hồng".
Trước đây, o Hồng là sinh viên Trường Sư phạm 10+3 Nghệ An (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An - PV), sau đó, o học tiếp liên thông Đại học Vinh và ra trường vào năm 1975. Sau khi ra trường, cuối năm 1975, o Hồng được về nhận công tác tại Trường THCS Xuân Trường (nay là Trường THCS Đan Trường Hội, huyện Nghi Xuân).
"Giai đoạn này, ngoài công việc dạy học, tôi được kiêm nhiệm chức vụ Tổng phụ trách Đội. Thời gian này, tôi luôn chú trọng để xây dựng một liên đội mạnh, được đánh giá cao. Cũng trong quá trình này, tôi trưởng thành và đến năm 1980 vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng" - o Hồng kể.
Từ năm 1985 - 1995, o Hồng được điều động luân chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Giang. Đến năm 1995, giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân. Sau 10 năm công tác, từ năm 2005, o chuyển sang giữ chức vụ Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ.
Năm 2007, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Nghi Xuân được thành lập, o Hồng được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm. Năm 2010, o Hồng về hưu theo chế độ và tiếp tục gắn bó với hội cho đến nay.
“Trong quá trình công tác, tôi luôn trăn trở và dành tình cảm đặc biệt đối với những đối tượng yếu thế. Khi còn là Tổng phụ trách Đội, tôi suy nghĩ về những hoạt động giáo dục, truyền thống ý nghĩa cho học sinh. Là một hiệu trưởng, tôi dành sự quan tâm rất lớn đối với các đồng nghiệp khó khăn, giúp đỡ các em nhỏ vượt qua hoàn cảnh để đến trường. Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN huyện, tôi hướng mình nhiều hơn về những người phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo. Đến nay, khi công tác gần 17 năm tại Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, tôi vẫn luôn trăn trở về những hướng đi mới để giúp các nạn nhân có thể vượt qua được nỗi đau bệnh tật" - o Hồng tâm sự.
Khi nói về cơ duyên với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện, o Hồng bộc bạch: “Bố tôi từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ. Năm 1964, Mỹ huy động máy bay đánh phá khu vực Quảng Bình, lúc này, bố đang điều trị chấn thương tại Quân y viện 41 Quảng Bình. Máy bay ném bom xuống bệnh viện, dù sức khoẻ yếu nhưng ông vẫn cố gắng dìu các bệnh nhân khác ra ngoài, đến bệnh nhân cuối cùng thì cả 2 đã bị vùi lấp. Bố mất năm tôi mới 9 tuổi nên sau này, khi nhìn các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, chịu nhiều di chứng của chiến tranh, tôi rất xót thương, đồng cảm".
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Nghi Xuân hiện có 1.329 hội viên, trong đó có 463 hội viên là nạn nhân (311 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 152 ảnh hưởng gián tiếp); có 865 hội viên tự nguyện. Hiện nay, toàn huyện có 17 tổ chức hội cơ sở; 11 đơn vị xã, thị trấn thành lập được 37 chi hội.
Suốt 17 năm công tác, đồng hành cùng Hội, o Hồng cho rằng, để có thể đảm bảo được công tác hội, phù hợp với các chính sách, phương hướng nhiệm vụ đòi hỏi sự tâm huyết của các uỷ viên trong chi hội. Theo đó, triển khai các kế hoạch, chương trình quyết liệt, sáng tạo, đảm bảo lợi ích của các hội viên và nạn nhân. Với những chủ trương của tỉnh, chúng tôi luôn sáng tạo, chọn ra mũi nhọn cho từng hoạt động để tạo dấu ấn riêng. Nhờ đó, Hội Nạn nhân CDDC/dioxin huyện Nghi Xuân luôn được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động tích cực, hiệu quả nhất trên toàn tỉnh.
"Năm 2010, khi đến độ tuổi nghỉ hưu, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Xuân đề nghị tôi tiếp tục cống hiến cho công tác hội. Nhận thấy sức khoẻ vẫn có thể đảm bảo, niềm say sưa với công việc vẫn thường trực nên tôi quyết định nhận nhiệm vụ. Càng làm việc lâu năm với hội, tôi càng thấy yêu, thấy thương những số phận đang phải gánh chịu những hậu quả của chiến tranh. Có những gia đình 2 - 3 thế hệ bị ảnh hưởng; có 5 - 6 cháu trong 1 gia đình bị chất độc da cam rồi chết dần; thậm chí nhiều gia đình có 7 - 8 bát hương trong gian thờ vì em bé nào sinh ra rồi cũng mất… Ngoài chi phí hoạt động thường xuyên do huyện cấp, bằng các mối quan hệ sau nhiều năm công tác của mình, tôi vận động nguồn quỹ để giúp đỡ cho các nạn nhân”, o Hồng chia sẻ.
Có lẽ, nhờ tình cảm xuất phát từ trái tim mà o Hồng đã nhận được sự quý mến, yêu thương từ các nạn nhân chịu thiệt thòi bởi di chứng của chiến tranh. Ông Võ Như Ất (SN 1955, thôn 5, xã Xuân Lĩnh) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người, thuộc 2 thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Trong suốt thời gian qua, các nạn nhân như chúng tôi thường xuyên nhận được rất nhiều sự quan tâm của hội và cá nhân o Hồng với nhiều phần quà hỗ trợ; cùng đó là sự quan tâm của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm. Nhờ sự tâm huyết, tận tình của o Hồng, của hội, chúng tôi luôn cảm thấy được động viên, an ủi rất nhiều".
Ở độ tuổi gần 70, với nhiều người, đó là lúc để nghỉ ngơi, thế nhưng, o Hồng vẫn luôn trăn trở về công tác hội, làm sao để các nạn nhân có thể tiếp cận mức hưởng trợ cấp tốt nhất, làm sao để xây dựng quỹ chăm sóc nạn nhân khi công tác vận động ngày càng khó…
“Đến tháng 5/2024, công tác vận động nguồn lực của toàn Hội đạt 142,5 triệu đồng. Hội đã cùng các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp trao tặng 573 suất quà cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Dù vậy, điều tôi trăn trở nhất vẫn là hiện nay còn nhiều nạn nhân chưa thể hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để được công nhận, hưởng chính sách…”, o Hồng cho biết thêm.
Chị Hồng là một trong những tấm gương tiêu biểu về sự năng động, sáng tạo trong hoạt động hội. Là một Chủ tịch hội có kinh nghiệm, chị nắm bắt nhanh các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sau đó triển khai bài bản đến từng hội viên. Sự nhạy bén của chị Hồng không chỉ giúp đơn vị Nghi Xuân luôn hoàn thành tốt các công tác hội mà còn tham mưu cho Tỉnh hội về các phương hướng, nhiệm vụ thiết thực đối với nạn nhân CĐDC/dioxin.
Ông Nguyễn Minh Nguyên
Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hà Tĩnh