Nhà cung ứng nguyên liệu cho Nike, Adidas muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Tập đoàn dệt may Viễn Đông Tân Thế Kỷ (Far Eastern New Century - FENC), một trong những nhà sản xuất vải dệt hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), hôm qua (17/10) tuyên bố, Việt Nam là điểm đến lý tưởng nhất để doanh nghiệp này xây dựng thêm các nhà máy nhờ lợi thế chi phí nhân công giá rẻ và mức thuế thấp.

Hãng cung ứng nguyên liệu cho một loạt các thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, H&M, Under Armour, Columbia... muốn xây dựng thêm nhiều nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

“Chúng tôi không thể nghĩ ra một thị trường nào tốt hơn Việt Nam để xây dựng nhà máy mới” - ông Eric Hu, Tổng Giám đốc FENC, phát biểu bên lề một hội chợ thương mại hôm thứ Hai.

“Việt Nam cung cấp các lao động có tay nghề cao, chi phí rẻ. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng có thể hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, ông Hu nói thêm.

TPP hướng tới mục tiêu thiết lập một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 12 nước thành viên trong đó có Mỹ và Việt Nam. Đại diện của 12 quốc gia này hồi tháng 2 đã chính thức ký kết thỏa thuận TPP tại New Zealand, đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán hơn 5 năm và mở đầu cho giai đoạn phê chuẩn tại quốc hội từng nước.

Tập đoàn FENC hiện là nhà cung ứng nguyên liệu cho một loạt các thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Under Armour, Adidas, H&M, Columbia, Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) và J.Crew.

Ông Hu cho biết, FENC đang tăng gấp đôi số lượng dây chuyền sản xuất ở các nhà máy may ở Việt Nam và sản lượng vải nhuộm đầu ra, với dự tính tăng trưởng sản lượng hơn 300%/năm.

Tập đoàn Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều nhà máy mới ở Việt Nam, bao gồm cả nhà máy dệt vải và sợi, trong thời gian tới, ông Hu nói thêm.

Lãnh đạo của FENC cũng tái khẳng định lại tuyên bố của ông Douglas Hsu - Chủ tịch FENC, hồi đầu năm nay, về kế hoạch tăng gấp đôi lượng tiền đầu tư vào Việt Nam, từ mức 300 triệu USD lên 760 triệu USD.

Động thái này của FENC cũng phù hợp với cam kết thúc đẩy quan hệ kinh tế hơn nữa với khu vực Đông Nam Á và Nam Á của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khi mà quan hệ thương mại song phương với đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan là Trung Quốc hiện đạt tới 160 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Livia Wu - một chuyên gia phân tích đến từ công ty tư vấn đầu tư Yuanta Investment Consulting (Đài Loan), việc FENC sẽ được hưởng lợi đáng kể khi gia tăng đầu tư vào Việt Nam là không rõ ràng.

“Tiền lương công nhân tại Việt Nam đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây và giá thuê đất cũng đã trở nên đắt đỏ hơn. Chúng tôi cho rằng đã khá muộn khi FENC quyết định cho xây dựng thêm nhiều nhà máy nữa ở đất nước này” - nhà phân tích này nói.

“Trong khi đó, chúng tôi không dám kết luận chắc chắn 100% việc liệu Việt Nam cuối cùng có được chưa hưởng lợi từ TPP hay không, khi mà cả hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ đến từ cả hai đảng chính là Dân chủ và Cộng hòa hiện nay đều lên tiếng phản đối hiệp định này”, Wu cho biết thêm.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Nikkei Asian Review.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói