Nhiều hộ chăn nuôi thiếu ý thức phòng chống, dịch bệnh khó kiểm soát

(Baohatinh.vn) - Sự thiếu ý thức trong phòng chống dịch của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Hà Tĩnh trở thành rào cản lớn, khiến công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp nhiều thách thức.

Giữa tháng 4/2025, chị C.T.H (thôn Trung Đoài, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên) phát hiện con lợn nái trong chuồng có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, nổi ban. Thay vì báo cáo với chính quyền địa phương, chị H. đã tự mua thuốc về điều trị.

“Vì tiếc của nên “còn nước còn tát”, tôi muốn điều trị xem sao. Nhưng sau hơn 4 ngày thấy bệnh không thuyên giảm, tôi mới báo lên thú y xã để hỗ trợ tiêu hủy. Khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan thú y xác định lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)” – chị H. chia sẻ.

Hiện nay, DTLCP đang xảy ra tại 8 xã, 52 thôn của huyện Cẩm Xuyên.

Hiện nay, tình trạng người dân chậm báo dịch, tự ý điều trị hoặc thuê thú y tiêm thuốc tại nhà vẫn còn khá phổ biến. Theo chị Phan Thị Xoan - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), từ tháng 12/2024 đến nay, DTLCP liên tiếp xẩy ra, đã khiến hơn 140 con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 18 tấn. Dù đã tăng cường tuyên truyền, song nhiều người dân còn chần chừ trong khai báo dịch bệnh. Đặc biệt, bà con vẫn còn ngại thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin đối với đàn lợn nái khiến sức đề kháng vật nuôi giảm mạnh, dịch bệnh càng dễ xâm nhập.

Không chỉ chậm báo cáo, nhiều hộ còn tâm lý giấu dịch, tự xử lý xác lợn chết theo cách thủ công, không đảm bảo kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

Tại xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), khi xuất hiện các ổ DTLCP, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện một số hộ chôn lợn chết tại bãi đất trống, không rắc vôi, không xử lý hóa chất, hố chôn không đảm bảo.

Xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) rà soát các hộ bị thiệt hại do DTLCP trên địa bàn.

Ông Bùi Công Thư - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ, quy mô vài con nên người dân còn chủ quan. Địa bàn quản lý của xã tương đối rộng nên việc báo cáo dịch bệnh đang phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của người chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, một số hộ vẫn còn giấu dịch, xử lý sai quy trình khi vật nuôi bị chết, gây khó khăn trong kiểm soát”.

Trong khi chính quyền đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thì một số người dân lại hành xử thiếu trách nhiệm, ngang nhiên ném xác vật nuôi xuống kênh, rạch. Chỉ trong 1 tháng (2 - 3/2025), xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh) đã phát hiện hai vụ xác lợn chết trôi nổi trên kênh N9 đoạn qua địa bàn với tổng trọng lượng hơn 3,5 tấn. “Đây là kênh hạ lưu, nên không loại trừ xác lợn bị ném từ vùng đầu nguồn trôi về. Người dân tự ý vứt xác lợn chết bừa bãi vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Trị nhấn mạnh.

Những con lợn đang trong quá trình phân hủy được phát hiện trên tuyến kênh N9 vào ngày 21/2/2025.

Sự thiếu hợp tác của người dân trong công tác phòng chống không chỉ khiến dịch kéo dài dai dẳng mà còn tạo áp lực rất lớn lên chính quyền cơ sở, cả về nhân lực lẫn kinh phí. Khi dịch bệnh bùng phát, các xã, phường, thị trấn phải huy động nhiều lực lượng để điều tra, lấy mẫu, tiêu hủy, phun hóa chất khử trùng, xử lý môi trường. Trong những đợt cao điểm, nhiều địa phương còn phải huy động lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ bán chuyên trách và cả phương tiện cơ giới để thực hiện tiêu hủy lợn, tổ chức tiêu độc khử trùng trên diện rộng.

Không chỉ tổn thất về kinh tế, hậu quả của việc chậm báo cáo, giấu dịch còn đẩy nguy cơ lây lan dịch sang các địa phương khác, phá vỡ quy trình kiểm soát dịch trong toàn vùng. Anh Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Chăn nuôi Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Là cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nên mỗi lần trên địa bàn xuất hiện ổ dịch, chúng tôi rất lo lắng, phải tăng cường kiểm soát, khử trùng, cách ly. Chi phí cho công tác phòng dịch (thuốc, hóa chất, nhân công) có thể tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường”.

TP Hà Tĩnh thường xuyên phải huy động nhiều nhân lực để xử lý lợn bị nhiễm DTLCP.

Theo ngành chuyên môn, trong thời gian qua, tại Hà Tĩnh, các bệnh nguy hiểm như DTLCP, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò,... chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học.

Ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết bất lợi, các loại vi-rút, vi khuẩn biến chủng và tồn tại dai dẳng ngoài môi trường, thì cần nhìn nhận rằng, chính tâm lý chủ quan, lơ là của người chăn nuôi trong công tác phòng chống cũng khiến dịch bệnh xuất hiện nhanh và lây lan diện rộng. Tại nhiều nơi, người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính quyền; không tuân thủ tiêm phòng định kỳ, không chủ động tiêu độc khử trùng chuồng trại; khi vật nuôi có dấu hiệu bệnh thì giấu dịch hoặc báo chậm, khiến công tác kiểm soát trở nên bị động;...

Ngành chuyên môn hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin trên đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Thú y (Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh) cho hay, theo Luật Chăn nuôi năm 2018, người chăn nuôi giữ vai trò trung tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Người chăn nuôi có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm các quy định: phát hiện và khai báo kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh; không giấu dịch, không bán chạy, không làm lây lan dịch bệnh; chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan thú y khi có dịch xảy ra. Đồng thời, thường xuyên chăm sóc, theo dõi đàn vật nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; duy trì vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ; kiểm soát việc ra vào khu vực chăn nuôi;…

Giữa bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục có những diễn biến khó lường, ngành chức năng và chính quyền các cấp đang nỗ lực vào cuộc với nhiều biện pháp đồng bộ. Thế nhưng, nếu người chăn nuôi không thay đổi tư duy, vẫn xem phòng dịch là việc của Nhà nước, không phải trách nhiệm của mình thì dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn dai dẳng, khó kiểm soát.

Video: Chính quyền địa phương thực hiện tiêu hủy lợn bị nhiễm DTLCP.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói