Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn ‘rót vốn’ xây sân bay Long Thành

Khẳng định hiện nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án sân bay Long Thành, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư chỉ được quyết định sau khi Quốc hội thông qua báo cáo khả thi.

nhieu nha dau tu nuoc ngoai muon von xay san bay long thanh

Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được Tổ tư vấn kiến nghị chọn làm phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Theo ông Thắng, mới đây nhà đầu tư Tập đoàn Zurich Airport (Thụy Sĩ) có tiếp xúc và đề nghị giống như nhiều nhà đầu tư khác quan tâm tới sân bay Long Thành nhưng việc này sẽ được xem xét sau khi xác định cụ thể phương thức đầu tư, huy động nguồn vốn bởi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là dự án rất lớn có nhiều hạng mục với hạ tầng cơ sở sân bay, hạ tầng dịch vụ phục vụ sân bay, chắc chắn là cơ hội hợp tác thực hiện vì cần rất nhiều nguồn lực xã hội.

Trước doanh nghiệp Thụy Sỹ này, hàng loạt nhà đầu tư khác như Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP, Pháp), doanh nghiệp UAE, nhà đầu tư Nhật Bản hay liên danh giữa Geleximco và đối tác Trung Quốc cũng ngỏ ý muốn “rót” vốn vào đầu tư sân bay Long Thành.

Hiện tại, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định Cảng hàng không quốc tế Long Thành được tách thành dự án riêng, ông Thắng cho rằng, song song với đó công tác chuẩn bị báo cáo khả thi đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện hết sức tích cực và không phụ thuộc vào tiến độ dự án giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dự án giải phóng mặt bằng cũng được phối chung và đưa vào báo cáo khả thi để báo cáo Quốc hội.

“Kịch bản tích cực nhất, theo tiến độ đã đăng ký với Chính phủ, báo cáo khả thi sẽ được báo cáo trong năm 2018, tiến độ sau đó phụ thuộc vào việc sau khi báo cáo khả thi được thông qua thì sẽ tiến hành thiết kế, lập dự toán công trình xây dựng rồi thực hiện công tác đấu thầu. Có lẽ, năm 2019 có thể đáp ứng được yêu cầu để khởi công,” ông Thắng nhìn nhận.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tháng Tám vừa qua, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Bộ đang triển khai lựa chọn tư vấn làm nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến triển khai trong 2018-2019 và sẽ trình Quốc hội theo đúng quy định Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.

“Quan điểm của Bộ là hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm tới dự án. Trong nghiên cứu tiền khả thi của dự án để xin chủ trương đầu tư cũng đã nghiên cứu định hướng một số hạng mục Nhà nước có thể sử dụng vốn đầu tư công, một số có thể thu hút được thành phần kinh tế khác,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Theo ông Đông, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch đồng thời việc đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu, kiểm soát tiến độ, giá thành...

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đọc Tờ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Tờ trình, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng. Trong số này, đáng kể nhất là hơn 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, gần 480 tỷ đồng tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.

Ngân sách Trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án; toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định.

Nguồn vốn và cơ cấu vốn triển khai dự án theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương hơn 21.800 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư dự án), ngân sách Trung ương ứng 1.160 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư dự án), Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định.

Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng. Nếu được Quốc hội chấp thuận, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng phương án thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án.

Dự kiến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện từ tháng 10/2017-tháng 3/2018. Lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ tháng 4/2018-tháng 7/2019 và trình Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ tháng 8/2019-tháng 9/2019.

“Đến thời điểm hiện tại, so với kế hoạch ban đầu, tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi bị chậm khoảng 8 tháng, là do quy trình thủ tục tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách,” báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 (giai đoạn 1 của dự án chậm nhất phải hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025), tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành về cơ bản vẫn được đáp ứng./.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với mục tiêu đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và được thực hiện theo 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1, đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025, hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2 (đến năm 2035) tiếp tục đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 (sau năm 2035) sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.