Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

(Baohatinh.vn) - Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.

Cho đến bây giờ khi đã trưởng thành, tôi vẫn nhớ mãi những ký ức tuổi thơ về tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) có nơi gọi là tết “diệt sâu bọ”. Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, làng tôi - một làng quê thuần nông nghiệp nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh vẫn còn nghèo lắm nhưng lệ thường cứ đến tết Đoan ngọ thì luôn được người dân tổ chức một cách chu đáo.

a7.jpg
Tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) là thời điểm ở quê tôi vụ sản xuất chính đầu năm vừa kết thúc. Ảnh tư liệu: Làng quê dưới chân núi Hồng Lĩnh.

Ngày ấy, vào độ tháng Tư (âm lịch) kết thúc cũng là lúc cánh đồng chỉ còn lơ thơ một vài ruộng lúa chín muộn, hoa màu như: lạc, đỗ, vừng… cũng đã ở thời kỳ cuối vụ. Lúc đó, bố mẹ tôi đã tranh thủ phơi riêng ra một phần lúa vừa thu hoạch, xay lấy gạo để làm mâm cúng gạo mới cho ông bà tổ tiên vào tết Đoan ngọ.

Tết Đoan ngọ ở làng tôi chỉ diễn ra đúng buổi trưa mồng 5/5 nhưng mọi thứ đã được mỗi gia đình chuẩn bị trước đó khá lâu. Ngoài gạo mới của vụ lúa vừa thu hoạch, nhiều gia đình chuẩn bị sẵn gà, vịt đã chăm nuôi hàng tháng. Không kỳ công như tết Nguyên đán hay rằm tháng 7, mâm cúng tết Đoan ngọ đơn giản hơn nhiều. Đó là đĩa xôi hoặc cơm nếp, bát thịt vịt, gà, bát miến xào lòng, tô canh, rau xào… Đi kèm đó là đĩa hoa quả các loại, trong đó nải chuối mật mốc là thứ được ưu tiên. Có một điều đặc biệt là tết Đoan ngọ thường là lúc các “chàng” rể đi lễ gia đình nhà ngoại bằng một ít thực phẩm như một con vịt, gà hay là miếng thịt… Nhà tôi có 4 anh rể nên mỗi dịp tết mồng 5/5 lúc nào cũng có khá nhiều thực phẩm.

a1.jpg
Mâm cúng gia tiên tết Đoan ngọ của người miền Trung nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng thường không thể thiếu món thịt vịt. Ảnh: Internet.

Cũng như nhiều ngày lễ tết khác, tết Đoan ngọ ở làng tôi là lúc gia đình sum họp, láng giềng vui vầy cùng đến nhà nhau ăn cỗ. Trong buổi tiệc này, mọi người thường trò chuyện về vụ mùa vừa diễn ra, có lúc là niềm vui thắng lợi, có lúc lại chia sẻ bài học về những thất bát gặp phải.

Chuẩn bị là thế nhưng tết Đoan ngọ thường chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 11-13h. Đây được xem là thời điểm thiêng liêng để làm lễ và thực hiện nhiều phong tục khác để cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu…

Thời ấy, từ người già đến trẻ con làng tôi thường hay gặp nhiều căn bệnh thông thường như đau đầu, đau bụng, cảm lạnh, cảm nắng, rôm sẩy, mụn nhọt… nhưng do điều kiện chăm sóc y tế chưa tốt như bây giờ nên hiếm thuốc chữa. Bởi vậy, tết Đoan ngọ chính là lúc nhiều người thực hiện việc “lấy thuốc” đúng giờ ngọ để chữa bệnh. Dù không có căn cứ khoa học nhưng theo một niềm tin tâm linh nào đó, nhiều người vẫn tin theo, có người lấy các vị thuốc trong khung giờ này pha chế theo hướng dẫn của thầy thuốc nam để sử dụng.

a3.jpg
Buổi trưa tết Đoan ngọ là dịp để người dân quê tôi tìm hái thảo dược như: sả, chanh, hoa ngò gai... làm các vị thuốc nam để chữa các bệnh cảm cúm, thông thường.

Kỷ niệm tôi vẫn nhớ mãi là vào mỗi dịp tết Đoan ngọ, trong khi các bà, các chị ra vườn hái các loại thảo dược như: sả, lá chanh, bồ kết, bồ công anh… để phơi làm vị thuốc nam thì trẻ con chúng tôi chạy ra đồng mang theo nửa quả chuối mật mốc đến các ruộng vừng hái hoa bỏ vào giữa quả chuối rồi nuốt. Theo niềm tin của nhiều người, đó là cách để chữa chứng đau bụng vặt. Bên cạnh những tục lệ có phần nghiêm túc còn có những chuyện hài hước mà trẻ con thời đó thường thực hiện trong buổi trưa tết Đoan ngọ là tìm bắt con thằn lằn (thạch sùng) tắm nó trong chậu nước mát thì sau đó sẽ hết rôm sẩy, mẩn ngứa… Sau này lớn lên tôi mới hiểu ra, đó là người lớn trêu đùa trẻ con, bởi ngày 5/5 âm lịch là thời điểm mặt trời gần trái đất nhất, thời tiết nắng nóng nhất nên loài thạch sùng hầu hết ẩn nấp kín đáo, rất ít xuất hiện, khó tìm, khó bắt.

a5.jpg
Nuốt hoa vừng cùng quả chuối cúng gia tiên để chữa lành đau bụng là một trong những kỷ niệm của những đứa trẻ làng tôi vào mỗi dịp tết Đoan ngọ ngày xưa. Ảnh: Internet.

Sau này, lớn lên tôi mới biết nguồn gốc của tết Đoan ngọ qua nhiều câu chuyện kể từ thầy cô cũng như sách vở như là ngày giỗ của Quốc mẫu Âu Cơ với câu ca dao: “Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”, là kỷ niệm ngày mất của ông Khuất Nguyên một nhân sĩ vì dân ở thời Chiến Quốc (Trung Quốc), hay ngày tết xua đuổi dịch bệnh, tà ma, tết diệt sâu bọ… Có rất nhiều sự tích liên quan đến ngày lễ này nhưng bất kể đến từ sự tích nào, tết Đoan ngọ ở làng tôi cũng diễn ra trang trọng và nhiều ý nghĩa. Đó là lúc mỗi người hướng về tổ tiên, ông bà, thần, phật... để cảm ơn bề trên đã hỗ trợ cho mùa màng bội thu, là lúc tri ân đấng sinh thành cùng nhiều việc làm ý nghĩa khác.

Ngày nay, cuộc sống xã hội hiện đại với sự phát triển của khoa học, người dân làng tôi cơ bản đã làm chủ được sản xuất nông nghiệp. Nhiều căn bệnh “nan y” xưa, nay đã trở nên thông thường với y học, nhiều tục lệ lỗi thời đã không còn được người dân tin làm. Tuy nhiên, tết Đoan ngọ vẫn được nhiều gia đình ở quê tôi duy trì thực hiện trang trọng để gìn giữ nếp văn hóa truyền thống của ông bà, tổ tiên truyền lại.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.
Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Phát huy kết quả trong năm 2024, từ đầu xuân Ất Tỵ 2025, ngành du lịch Hà Tĩnh đã khởi động một cách tích cực, mạnh mẽ bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm thu hút du khách.
Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuối năm 2024 đã để lại trong lòng các nghệ nhân mọi miền những ấn tượng mạnh mẽ về "bản hòa tấu" di sản văn hóa dân tộc.
Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Bằng sự nghiên cứu, sáng tạo, nhiều văn nghệ sỹ, chuyên gia nổi tiếng cả nước đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh tới bạn bè muôn phương.
Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Sau hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh.
Náo nức hội xuân

Náo nức hội xuân

Đến với Hà Tĩnh vào dịp xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội, được khám phá cảnh sắc và nét độc đáo của văn hóa, con người vùng đất núi Hồng - sông La.
Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.