Nhộn nhịp mùa ruốc biển...

(Baohatinh.vn) - Với những ngư dân quanh năm bám biển, “lộc” biển đến bất ngờ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vào tháng 9, 10 âm lịch, ngư dân xóm Yên Điềm (Thịnh Lộc - Lộc Hà) lại rộn ràng với mùa ruốc biển - món quà từ đại dương...

Nhộn nhịp mùa ruốc biển... ảnh 1

Ngư dân xóm Yên Điềm được mùa ruốc biển.

Những ngày này, làng biển Yên Điềm nhộn nhịp từ sáng sớm. Từng ghe thuyền đầy ắp ruốc cập bờ, mang theo niềm vui khôn xiết cho ngư dân. Từ sáng sớm, hàng trăm ngư dân và người mua bán ruốc tập trung về bãi biển để mua bán và vận chuyển ruốc đi phơi.

Nhiều ngư dân cho biết, vào mùa này, ruốc tụ lại từng đám, có lúc nổi dật dờ theo con sóng ven bờ, có lúc dày đặc ngay bờ biển. Theo kinh nghiệm của ngư dân, mùa khai thác ruốc thường bắt đầu từ tháng 9, kéo dài đến đầu tháng 11 âm lịch. Vào ngày biển lặng, ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi dạt vào bờ. Những người đi biển lâu năm có thể nhìn nước biển chuyển màu tim tím để đoán biết nơi ruốc tập trung nhiều. Tuy nhiên, ruốc biển không xuất hiện liên tục mà theo từng đợt, mỗi đợt khoảng 7 - 10 ngày, tùy theo thời tiết.

Nhộn nhịp mùa ruốc biển... ảnh 2

Những mẻ ruốc đầu tiên được đưa lên bờ

Anh Nguyễn Mạnh Chiến chia sẻ: Những ngày này, chúng tôi phải tranh thủ dậy thật sớm, ra biển chọn được vùng có nhiều ruốc. Để kéo ruốc lên bờ, cần sử dụng những tay lưới dày, mỗi tay lưới dài hơn 20m, hai bên được cặp vào hai thanh tre dài để cho lưới căng, phía dưới là những cục chì lớn để ép lưới xuống sát đáy biển, sau cùng là một cái đụt rất dài, là nơi ruốc sẽ đọng lại. Tùy theo luồng ruốc, ngư dân sử dụng loại lưới nào để đánh bắt mà gọi tên loại đó. Ruốc bắt từ mành dã ở nước 5 - 7 sải, gọi là ruốc dã; từ việc kéo lưới đi bộ ven bờ gọi là ruốc kéo; lặn xuống đáy biển dùng lưới nhỏ vớt gọi là ruốc lặn…

Vừa giúp chồng bê những thúng ruốc đầy từ thuyền vào bờ, chị Nguyễn Thị Bình (Thịnh Lộc) cho biết: Khi đưa ruốc lên bờ phải thật nhanh, bởi chỉ trong thời gian ngắn là ruốc sẽ chết. Do vậy, khi vào bờ phải tranh thủ đưa ruốc về nhà phơi khô, hoặc bán ngay. Ngoài khơi có nhiều ruốc thì một ngày đi biển 3 lần: sáng sớm đi từ lúc 5h, đến khoảng 9h là có mẻ ruốc đầu tiên; rồi từ 9h đến 12h; từ 13h đến 16h. Vì thời điểm thuyền về thất thường, nên vào mùa ruốc, gia đình không mấy khi ăn cơm đúng giờ, có khi làm việc qua bữa.

Nhộn nhịp mùa ruốc biển... ảnh 3

Ngư dân nhặt sạch rác trong ruốc để bán cho người thu mua

Nhìn nụ cười lấp lánh trên gương mặt của những ngư dân lấm lem vì nhọc nhằn, vì gió biển lại thấy ánh lên niềm vui khi có được những thành quả bằng sức lao động chân chính của mình. Vừa bê giỏ ruốc vào bờ, ngư dân Lê Doãn Quang hồ hởi: “Năm nay, mùa ruốc đến muộn hơn, nhưng hầu hết ruốc đều tập trung gần bờ nên việc khai thác thuận lợi, ai nấy đều phấn khởi. Bình quân mỗi lần ra khơi khai thác được 1-1,5 tạ ruốc, nhiều thì 4-5 tạ/ngày. Trung bình ruốc tươi sau khi nhặt sạch rác được bán với giá 40-50 nghìn đồng/yến, rẻ hơn 1-2 giá so với năm trước”.

Những ngày này, bờ biển xóm Yên Điềm nhộn nhịp từ sáng tinh mơ. Chị Nguyễn Thị Hà - một người thu mua ruốc biển chia sẻ: “Ruốc tươi được thu mua và bán tại các chợ trong huyện Lộc Hà, lên chợ Can Lộc, hay TP Hà Tĩnh. Ruốc khô dao động từ 100-150 nghìn đồng/kg, ruốc bể (ruốc đã được muối) từ 40-60 nghìn/kg. Mỗi ngày, tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng. Dù đây chỉ là nghề phụ của ngư dân nhưng cũng nhờ đó mà nhiều gia đình bớt túng thiếu”.

Được biết, hơn 50% cư dân xóm Yên Điềm gắn bó với biển. Mùa ruốc, ngư dân lại tất bật hơn với công việc của mình và hiếm có thời gian nghỉ ngơi. Với bà con nơi đây, những con ruốc mang theo vị mặn mòi là phần thưởng quý giá của biển khơi, cho họ thêm thu nhập để trang trải cuộc sống…

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.