Xung phong tham gia “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu tiên, nhiều y, bác sỹ ở Hà Tĩnh đã phải hy sinh niềm riêng và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho một trận chiến trường kỳ.
Gần 12 năm làm kỹ thuật viên xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1987 - Khoa Cận lâm sàng) và các đồng nghiệp đã quá quen với các loại dịch bệnh. Thế nên, thời điểm cuối năm 2019, khái niệm “virus Corona” xuất hiện không khiến chị quá lo lắng.
Thế nhưng, chị Thanh không ngờ được rằng, loại virus chết người đó đã khiến thế giới chao đảo và cuộc sống của gia đình chị cũng bước sang một giai đoạn mới với nhiều xáo trộn.
Kể từ đó, một ngày của chị Thanh bắt đầu từ 5h sáng với việc dậy sớm nấu cơm, sửa soạn mọi thứ cho 2 con nhỏ và mẹ đẻ già yếu. Khi mọi thứ đã tươm tất, chị chạy xe máy từ thị trấn Cẩm Xuyên ra TP Hà Tĩnh để kịp giờ làm việc.
Đã hơn một năm nay, hầu hết ngày làm việc của chị và đồng nghiệp ở CDC Hà Tĩnh kết thúc sau 8h tối. Còn vào lúc cao điểm của dịch bệnh thì việc về đến nhà khi đồng hồ đã điểm chuông ngày mới cũng không còn là chuyện hiếm.
Chị Thanh chia sẻ: “Gia đình chồng tôi neo người, chồng là công an nên công việc bận cũng chẳng kém gì tôi. Dù mẹ đẻ già yếu, chúng tôi vẫn phải để 2 con lại cho bà, rồi nhờ thêm vợ chồng anh trai phụ giúp”.
Trực tiếp lấy mẫu, tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ cơ sở chuyển lên và tiến hành quy trình xét nghiệm... là những công việc mà chị Thanh phải thực hiện thường xuyên. Tất cả đều đòi hỏi chuyên môn, sự thận trọng và không cho phép bất cứ một sai sót nào dù là nhỏ nhất. “Nếu không cẩn thận sẽ nguy hiểm cho chính mình và trở thành nguồn lây cho cộng đồng” - chị Thanh chia sẻ.
|
Ngoài nguy cơ lây nhiễm, những áp lực về tâm lý mà kỹ thuật viên xét nghiệm phải trải qua cũng không hề nhỏ. Trong hàng chục nghìn mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm trên địa bàn, có nhiều ca khiến cả cộng đồng phải “nín thở” chờ kết quả. Với những trường hợp đó, chị Thanh và đồng nghiệp không quản ngày đêm, phải chạy đua với thời gian để cho ra kết quả sớm nhất, chính xác nhất.
|
Trong cuộc chiến cam go, mọi khó khăn đều có thể vượt qua, nhưng với những chị em có con nhỏ như chị Thanh, việc phải xa con dài ngày thật sự là một thử thách lớn. Trong những thời điểm dịch bệnh bùng phát, ghi nhận ca bệnh dương tính, các chị cũng bị cách ly dài ngày. Khi dịch bệnh tạm lắng, việc lấy mẫu và xét nghiệm vẫn thường xuyên diễn ra và mỗi lần trở về nhà, các chị không dám đến gần con.
Chị Thanh xúc động chia sẻ: “Những ngày đầu con khóc đòi mẹ, mẹ cũng khóc theo con. Nhưng thời gian sau, tâm lý của mẹ và con đã vững vàng hơn. Mỗi lần đi lại hứa với con “bắt xong con Covid rồi mẹ sẽ về”. Có lẽ, cũng vì lời hứa đó mà chúng tôi có thêm động lực, vững vàng, bản lĩnh hơn trong cuộc chiến này”.
Khi dịch bệnh tạm lắng, các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh đã tạm thời được dỡ bỏ thì điểm cách ly tại khu nhà ở dành cho công nhân của Mitraco (đóng tại phường Kỳ Thịnh - TX Kỳ Anh) vẫn liên tục tiếp nhận công dân đến từ vùng dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc, một đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, y, bác sỹ cũng phải thay phiên nhau “trực chiến”.
|
Với 5 đợt phục vụ tại khu cách ly này, điều dưỡng Trần Đình Kỳ (nhân viên Trạm Y tế xã Kỳ Hà) coi việc “đi cách ly” như một mệnh lệnh thường trực. Anh Kỳ cho biết: “Cứ có lệnh là tôi lên đường và xác định phải xa gia đình, vợ con dài ngày. Ngay cả khi kết thúc đợt công tác thì bản thân vẫn phải áp dụng các biện pháp và thời gian cách ly theo đúng quy định như người đi từ vùng dịch về”.
Có những thời điểm khu cách ly đón đến 900 công dân từ vùng dịch và từ tháng 3/2020 đến nay, khu cách ly này chưa lúc nào ngừng tiếp nhận công dân. Ở những thời điểm đó, nhiều y, bác sỹ của các cơ sở y tế trên địa bàn được huy động nhưng bình thường chỉ bố trí khoảng 6 - 7 người liên tục thay nhau phục vụ. “Chúng tôi là những người “đi trước về sau” bởi khi dịch bệnh tạm lắng vẫn không rời “vị trí chiến đấu” được. Ai cũng xác định tâm thế sẵn sàng nhận lệnh, thậm chí xung phong lên đường khi cần thiết” - anh Kỳ chia sẻ.
Trực tiếp tiếp xúc, theo dõi sức khỏe cho công dân đi từ vùng dịch, nguy cơ mà các y, bác sỹ gặp phải là rất lớn, do đó, việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch được họ coi là yếu tố sống còn. Găng tay, khẩu trang, áo quần bảo hộ y tế... đã trở thành vật bất ly thân với những người ở đây.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn về chăm sóc y tế, anh Kỳ cùng các y, bác sỹ, cán bộ, chiến sỹ còn phải động viên tinh thần, ổn định tâm lý cho công dân để họ hợp tác trong quá trình cách ly. Với y, bác sỹ, ý thức của công dân chính là “vũ khí” quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch.
Đã 2 năm nay, cán bộ, y, bác sỹ ngành y tế Hà Tĩnh đón ngày lễ truyền thống không hoa, không quà, không có những buổi lễ kỷ niệm hoành tráng. Ngày lễ năm nay càng lặng lẽ, khiêm nhường hơn với các y, bác sỹ phục vụ khu cách ly Mitraco bởi đến cả lời chúc mừng của người thân, bẹn bè, đồng nghiệp họ cũng chỉ được nhận qua điện thoại.
Cũng đi chống dịch từ những ngày đầu tiên, đây là đợt thứ 3 chị Hoàng Thị Mười (nhân viên Trạm Y tế xã Kỳ Hoa - TX Kỳ Anh) xung phong vào phục vụ tại khu cách ly. Chồng đi làm ăn xa, chị phải gửi con lớn cho ông bà nội, con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc.
Những ngày ở đây, chị Mười và các đồng nghiệp, đặc biệt là các chị em, đã quen với những bữa cơm ăn vội, giấc ngủ không đúng giờ và nỗi nhớ nhà, nhớ con thường trực. Ngày lễ truyền thống năm nay, các chị không được sum vầy bên mâm cơm gia đình, không được gặp gỡ đồng nghiệp nhưng các chị vẫn nhận được sự động viên của các cấp, ngành và hơn 80 công dân đang cách ly theo dõi sức khỏe tại đây.
Chị Mười chia sẻ: “Dù không có được ngày lễ như những năm trước nhưng không vì thế mà chúng tôi sao nhãng công việc. Mọi người vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chống dịch xong rồi đón những ngày lễ đoàn viên cũng chưa muộn”.
|
Có lẽ món quà lớn nhất mà các y, bác sỹ phục vụ tại đây nhận được trong ngày lễ “đặc biệt” này là thông báo công dân hoàn thành đợt cách ly an toàn. “Đó là sự động viên lớn để chúng tôi quên đi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ và cũng góp phần ổn định tâm lý cho những đồng nghiệp khác khi vào thay chúng tôi “trực chiến” - chị Mười chia sẻ.
Bằng trách nhiệm với cộng đồng, nhiệt huyết và tình yêu nghề, những “chiến binh” áo trắng vẫn bền bỉ, kiên trì trên “mặt trận” chống Covid-19, bảo vệ cộng đồng trước đại dịch.
thiết kế: huy tùng