Những người giữ mùa xuân bình yên (bài 3): “Còn công dân cách ly, chúng tôi sẽ ở lại nơi này đón tết…”!

(Baohatinh.vn) - Tết Nguyên đán đã kề cận, thế nhưng, với các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) quân sự, công an, y tế Hà Tĩnh làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, chừng nào còn có công dân cách ly thì sẽ vẫn bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Chưa có suy nghĩ về tết với gia đình

Trong hơn một năm qua, khu nhà ở Mitraco tại thị xã Kỳ Anh là khu cách ly tập trung duy nhất của Hà Tĩnh hoạt động liên tục để tiếp nhận các công dân nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo về cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19.

Hơn một năm khu cách ly “sáng đèn” cũng là chừng ấy thời gian các CBCS quân sự, công an, y tế bám trụ ở đây để thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng quân sự và công an phối hợp nhịp nhàng để bảo đảm ANTT tại khu cách ly tập trung Mitraco.

Nhận nhiệm vụ tại khu cách ly Mitraco đến nay đã gần 5 tháng, chưa một lần Đại úy Nguyễn Thái Sử (Ban CHQS thị xã Kỳ Anh) được về nhà thăm gia đình ở Cẩm Xuyên. Những tình cảm, sự nhớ nhung dành cho vợ và các con đều được anh gửi gắm qua các cuộc gọi từ facebook, zalo hay những dòng tin nhắn khi đêm đã muộn.

Chia sẻ về trọng trách, Đại úy Sử bộc bạch: “Mình là một người lính nên vợ và các con cũng đã quen với việc bố thường xuyên xa nhà để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến tận gần 5 tháng chưa về nhà thì đây mới là lần đầu tiên. Càng vào cuối năm, công dân trở về cách ly ngày càng đông, nhiệm vụ đặt ra lại càng nặng nề, áp lực nên việc được về thăm gia đình lại càng khó hơn”.

Đại úy Nguyễn Thái Sử (Ban CHQS thị xã Kỳ Anh) lên danh sách các công việc hậu cần phục vụ hằng ngày cho công dân cách ly.

Cho đến nay, khu cách ly Mitraco đang có gần 800 công dân từ Lào và Thái Lan cách ly y tế. Hằng ngày, việc chăm lo thức ăn, nước uống, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, an ninh trật tự… cho từng ấy con người đã là một áp lực không hề nhỏ đối với mỗi CBCS làm nhiệm vụ tại đây.

“Bà con cách ly ở đây rất đông và phần lớn đều là lao động phổ thông, cả năm trời bươn chải mưu sinh vô cùng vất vả, nhọc nhằn nơi đất khách quê người. Chính vì vậy, dù tết đã cận kề nhưng 52 con người làm nhiệm vụ tại đây chưa một ai nghĩ về tết mà đều đang nỗ lực hết sức chăm lo các điều kiện ăn ở, sinh hoạt để bà con đảm bảo sức khỏe, hoàn thành 14 ngày cách ly, trở về đón tết với gia đình, quê hương” - Đại úy Sử chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Bá Thuận (Công an Hương Sơn) lấy thông tin của một công dân vào cách ly.

Còn đối với Trung úy Nguyễn Bá Thuận (Công an Hương Sơn), 3 lần khu cách ly tập trung tại Cổng B, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kích hoạt là cả 3 lần anh xung phong làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT tại đây.

Chia sẻ về lần thứ 3 tham gia nhiệm vụ, anh Thuận cho biết: “Ngày 8/1, mình chính thức nhận lệnh lên khu cách ly. Lần này khá đặc biệt ở chỗ cuối năm bà con về đông, hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 ở Thái Lan lại diễn biến phức tạp nên nguy cơ từ các công dân về là rất cao, đòi hỏi anh em làm nhiệm vụ phải hết sức tập trung, thực hiện một cách chặt chẽ các quy trình tiếp nhận cách ly”.

Trung úy Thuận ngắm nhìn hình con gái vào những lúc rảnh rỗi.

Được hỏi về tâm tư của anh khi gắn bó với công việc phòng chống dịch cả trong ngày tết, Trung úy Thuận tươi cười: “Thú thật, tôi cũng như các anh em làm nhiệm vụ tại đây chưa nghĩ nhiều đến việc có được về tết hay không. Bởi khi nhận nhiệm vụ, bản thân cũng như gia đình đã xác định khi nào khu cách ly hết công dân thì mới về. Thực lòng được về tết thì rất vui nhưng nếu ngăn chặn được dịch bệnh thì càng vui hơn”.

Ăn tết trong khu cách ly sẽ là kỷ niệm đáng nhớ

Vừa trở về đơn vị được một tháng, Thiếu tá Trần Xuân Đại - Trung đoàn 841 (Bộ CHQS tỉnh) lại tiếp tục trở lại khu cách ly tập trung ở ký túc xá (KTX) Trường Đại học Hà Tĩnh để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly công dân. Anh là một trong số ít những người làm nhiệm vụ tại khu cách ly KTX Trường Đại học Hà Tĩnh từ tháng 3/2020 cho đến tận tháng 11/2020.

Gần 200 cán bộ, chiến sỹ quân sự, công an đang bám trụ tại các khu cách ly để thực hiện nhiệm vụ.

Nhận lệnh làm nhiệm vụ đợt 3, Thiếu tá Đại vui vẻ: “Đối với nhiều người, khu cách ly sẽ lạ lẫm, còn đối với mình thì nó trở nên quá quen thuộc cho nên khi nhận lệnh quay lại khu cách ly thì cũng giống như bao nhiệm vụ bình thường khác. Chỉ có điều tết gần đến rồi, chỉ mong sao cho bà con vào cách ly ai cũng được khỏe mạnh, an toàn để trở về sum vầy với gia đình, quê hương sau một thời gian dài làm việc nơi đất khách”.

Khu cách ly KTX Trường Đại học Hà Tĩnh có quy mô khoảng 850 người, lại được kích hoạt sau so với các khu cách ly khác nên rất có thể tết này các lực lượng làm nhiệm vụ sẽ phải đón tết tại đây. Vậy nhưng, các CBCS, hầu như ai cũng đã xác định tâm lý ăn tết tại khu cách ly, thậm chí không ít người coi ăn tết trong khu cách ly là một kỷ niệm.

Thiếu tá Trần Xuân Đại, Trung đoàn 841: Nếu tết đến khu cách ly vẫn còn người thì chúng tôi đều vui vẻ ở lại ăn tết cùng với bà con.

“Hiện nay, mỗi ngày đêm chúng tôi tiếp nhận hàng trăm công dân từ Lào, Thái vào cách ly. Hằng ngày, anh em đều phải căng mình để quản lý, chăm lo mọi mặt cho bà con. Nếu suôn sẻ mà tết đến, khu cách ly hết người thì sẽ về ăn tết với gia đình, còn nếu vẫn còn người thì chúng tôi đều vui vẻ ở lại ăn tết cùng với bà con.

Biết đâu đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời lính. Còn về gia đình, đã là vợ của người lính thì ai cũng đều thấu hiểu, cảm thông, hơn nữa, vợ mình lại làm trong ngành y tế nên thuận lợi hơn” - Thiếu tá Trần Xuân Đại bộc bạch.

Lực lượng quân sự phổ biến nội quy, quy định khu cách ly cho bà con khi vào cách ly tập trung.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đang cách ly trên 1.687 người. Hiện có gần 200 CBCS ở các đơn vị quân sự, công an đang thực hiện việc tiếp nhận, quản lý các công dân vào cách ly theo đúng quy định.

Tết cổ truyền đã cận kề, song mỗi CBCS bám trụ tại các khu cách ly tập trung đều đang dành tất cả trí, lực để thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào cộng đồng, góp phần mang cái tết bình yên, hạnh phúc đến mọi nhà.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói