Những nhà máy cấp nước sạch cho 82.000 hộ dân nông thôn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những công trình cấp nước tập trung góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng nông thôn và quá trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung (gọi tắt là nhà máy nước); trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh được giao quản lý, vận hành 7 nhà máy, cấp nước cho gần 82.000 hộ dân vùng nông thôn.
Nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên (đóng ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) là 1 trong 7 nhà máy nước do đơn vị này quản lý. Nhà máy nước này được xây dựng từ nguồn vốn do Ngân hàng phát triển Châu Á (ABD) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ, với công suất thiết kế 5.200 m3/ngày đêm.
Nhà máy hiện đang cấp nước sạch liên tục cho gần 7.000 hộ dân ở các xã: Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ và 1 phần xã Cẩm Quang của huyện Cẩm Xuyên.


Từ nguồn nước thô lấy ở hồ Kẻ Gỗ, trải qua nhiều công đoạn lọc và xử lý với quy trình được theo dõi nghiêm ngặt, khi về tới tận hộ gia đình, nước luôn đảm bảo chất lượng cho người dân dùng trong sinh hoạt, ăn uống.
Nhà máy nước Thạch Bằng đóng ở thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà cũng được đầu tư từ nguồn vốn ODA, có công suất thiết kế 4.000 m3/ngày đêm.

Nguồn nước thô của nhà máy được lấy từ hồ Khe Hao (huyện Can Lộc). Thời điểm hiện nay, nhà máy đang cấp nước cho hơn 6.000 khách hàng ở các xã Thạch Kim, Thịnh Lộc, Tân Lộc, thị trấn Lộc Hà và 1 phần xã Bình An của huyện Lộc Hà.

Nhà máy nước Bắc Thạch Hà đóng ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà có công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm, đang cấp nước sạch cho hơn 6.000 hộ dân vùng nông thôn ở các xã: Thạch Liên, Thạch Kênh, Việt Tiến của huyện Thạch Hà và xã Quang Lộc (huyện Can Lộc).

Nhiều năm trước, Nhà máy nước Bắc Thạch Hà sử dụng nguồn nước thô từ sông Già phía ngay sau nhà máy. Xuất phát từ một số yếu tố khách quan, người dân lo lắng về chất lượng nguồn nước thô dù qua các lần lấy mẫu kiểm tra, nguồn nước sau xử lý vẫn đảm bảo quy chuẩn sử dụng cho sinh hoạt. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã đề xuất các sở, ban ngành cấp tỉnh có phương án thay thế nguồn nước thô.
2 năm trở lại đây, thay vì lấy nguồn nước thô từ sông Già, Nhà máy nước Bắc Thạch Hà đã sử dụng nước thô từ hồ Trại Tiểu (Can Lộc) - cách nhà máy khoảng 10 km, tạo sự yên tâm cho người dân trong quá trình sử dụng nước sạch.
Ngoài 3 nhà máy nêu trên, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đang quản lý, vận hành thêm 4 công trình cấp nước tập trung khác như Nhà máy nước Thạch Sơn, Nhà máy nước Thiên Lộc, Nhà máy nước Khánh Lộc, Nhà máy nước Gia Phố, để cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Việc tỷ lệ người dân vùng nông thôn ở Hà Tĩnh được sử dụng nước sạch đảm bảo chất lượng từ công trình cấp nước tập trung ngày càng tăng lên không chỉ làm bộ mặt nông thôn thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nhằm phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung, nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trong người dân vùng nông thôn, sớm đưa Hà Tĩnh hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới, Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng công trình, tích cực thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói