Ngư dân phấn khởi khai thác vụ cá quan trọng nhất trong năm

(Baohatinh.vn) - Nhờ thời tiết thuận lợi, ngư trường tương đối dồi dào, ngư dân Hà Tĩnh đang phấn khởi vươn khơi khai thác nhiều loại hải sản có giá trị trong vụ cá Nam.

z5688169118016_f1aead056aa6f7f28261a3f64f2dd050.jpg
Đội thuyền của ngư dân Hà Tĩnh ra khơi câu mực vào ban đêm.

Trong gần 1 tháng qua, ngư dân vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà như xã Thạch Trị, Thạch Hải, Thạch Văn, Thạch Lạc… phấn khởi vươn khơi, bám biển vì liên tiếp gặp được những “luồng” mực lớn.

Ngư dân Trần Văn Hùng (thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, Thạch Hà) chia sẻ: “Cứ đêm xuống là đội thuyền câu mực lại ra khơi và đến tầm 4 - 5h sáng trở về bờ mang theo những khay mực tươi roi rói, bán cho thương lái với giá từ 170 - 300.000 đồng/kg tùy loại. Những ngày qua, trung bình mỗi chuyến biển tôi câu được từ 7 - 9kg mực, thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng”.

IMG_0010.jpg
Những khay mực tươi ngon được ngư dân Hà Tĩnh khai thác sau một đêm vươn khơi.

Tại vùng bãi ngang huyện Kỳ Anh, nhịp độ khai thác ở vùng ven bờ, vùng lộng cũng được ngư dân duy trì đều đặn nhờ thời tiết thuận lợi. Niềm vui trúng “lộc” biển được bà con ngư dân chia sẻ với nhau sau những chuyến ra khơi thắng lợi trở về.

Ngư dân Nguyễn Văn Huỳnh (thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) chia sẻ: “Năm nay, mùa mực đến sớm và sản lượng cao hơn các năm trước. Đặc biệt, gần 1 tháng qua, nhiều "luồng" mực lớn xuất hiện cách bờ từ 12 - 13 hải lý. Các thuyền đều cập bến với khoang thuyền đầy mực tươi. Nhờ đó, chúng tôi có thêm thu nhập và chi phí để vươn khơi đều đặn”.

z5687531949407_ea99363573bf737da5a9536940d7d560.jpg
Thương lái thu mua mực ngay tại bờ biển của xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh.

Theo thông tin từ UBND xã Kỳ Ninh, hiện nay, xã có đội tàu thuyền đánh bắt trên 200 chiếc, công suất từ 6 CV đến gần 500 CV. Đang là mùa đánh bắt thuận lợi nhất trong năm nên các tàu thuyền ra khơi khai thác đạt hiệu quả. Đặc biệt, dịp này, ngư dân “trúng” đậm mực tươi. Sản lượng đánh bắt từ tháng 4 tới nay trên địa bàn xã đạt hơn 50 tấn, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con ngư dân".

Tại Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà), từ 4h sáng đã nhộn nhịp cảnh tàu thuyền thay phiên nhau vào cập bờ, bốc dỡ hải sản bán cho thương lái. Ngay sau đó, các chủ tàu tranh thủ vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi. Theo bà con ngư dân, những chuyển biển trong vụ cá Nam đánh bắt được nhiều cá thu, mực, cá bạc má, cá nục, mực, tôm… Đây là những loại hải sản có giá trị và dễ tiêu thụ.

IMG_7757.jpg
Ngư dân cập cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà) trong niềm vui khai thác được nhiều hải sản.

Vừa cập cảng để bốc dỡ hải sản, ngư dân Nguyễn Văn Phương (thị trấn Lộc Hà) chia sẻ: “Đối với ngư dân, vụ cá Nam (được tính từ tháng 4 đến tháng 9) là vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm do thời tiết thuận lợi, ít mưa bão, biển êm, các luồng cá xuất hiện nhiều. Đợt vừa rồi chúng tôi chủ yếu đánh bắt ở vùng lộng được số lượng lớn mực, cá bạc má, cá nục,… Trung bình mỗi chuyến biển có thể thu được từ 6 - 8 tạ hải sản các loại, mang về giá trị khoảng 13 - 15 triệu đồng".

Theo ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, từ tháng 4 đến nay, sản lượng thủy sản được giám sát tại các cảng đạt 550 tấn. Nhờ đánh bắt được nhiều loại hải sản, giá ổn định nên bà con rất phấn khởi. Để hỗ trợ ngư dân, Ban Quản lý duy trì lực lượng túc trực sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra - vào cảng và bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển bốc dỡ hải sản được thuận lợi.

djp.jpg
Ngư dân Lộc Hà trúng đậm mẻ cá thu vào tháng 5/2024.

Bên cạnh đội tàu khai thác ven bờ, vùng lộng, đội tàu công suất lớn, khai thác xa bờ của tỉnh cũng tập trung vươn khơi, đến các vùng biển rộng lớn như Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng) hoặc các vùng biển từ Đà Nẵng trở vào để đánh bắt nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao.

Từ khi bắt đầu vụ cá Nam, anh Trần Văn Dần (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đã tổ chức được 8 chuyến khai thác hải sản xa bờ. Anh Dần cho biết: “Vụ cá Nam chúng tôi chủ yếu ra khơi từ 10 - 15 ngày/chuyến, khai thác mực lá, mực nang, một số loại cá như cá cam, cá lịch… Năm nay, ngoài việc ngư trường thuận lợi hơn năm trước, chúng tôi cũng chú trọng áp dụng công nghệ trong khai thác nên trung bình mỗi chuyến biển có thể thu được khoảng 150 - 170 triệu đồng”.

IMG_0006.jpg
Các tàu hậu cần bổ sung nước ngọt để cung cấp cho ngư dân khi tham gia khai thác trên biển.

Theo ông Hồ Ngọc Diễn - cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ tháng 4 đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn lợi thủy sản xuất hiện nhiều, đặc biệt là nguồn lợi cá nổi, mực, ruốc biển. Ngư dân Hà Tĩnh tăng cường bám biển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ước tính trong gần 5 tháng qua (tháng 4 đến nay), sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 15.078 tấn, tăng 3,46 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng mực ước đạt 1.328 tấn (năm 2023, sản lượng mực đạt 457 tấn), là năm mà nguồn lợi mực xuất hiện nhiều nhất trong những năm gần đây.

Hiện nay, ngoài tập trung hướng dẫn ngư dân khai thác hiệu quả trên biển, Hà Tĩnh cũng đang dồn sức triển khai đồng bộ các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.