Sau một thời gian đi thực tế, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, ông Nguyễn Hữu Đại (TDP Hoàng Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) đã tận dụng diện tích đất trống trong vườn nhà, đầu tư xây dựng 8 bể nuôi lươn bằng xi măng, diện tích mỗi bể 10 m2, có hệ thống cấp thoát nước bài bản.
Sau gần 5 tháng nuôi, nhờ làm tốt các khâu kỹ thuật chăm sóc, hơn 1 vạn con lươn giống đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Đại chia sẻ: “Con lươn không cần kỹ thuật nuôi quá phức tạp, vốn đầu tư ít trong khi nhu cầu thị trường khá lớn. Đối với việc nuôi lươn trong bể xi măng, công việc chăm sóc vệ sinh bể rất quan trọng, mỗi ngày phải vệ sinh 2 lần trước khi cho ăn, nguồn nước luôn đảm bảo sạch sẽ để lươn phát triển tốt và không bị các bệnh do vi khuẩn hay nấm gây ra”.
Bên cạnh mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản nước ngọt, nhiều đối tượng và hình thức nuôi mới tại vùng nước mặn lợ cũng đang được chính quyền địa phương và người dân TX Kỳ Anh quan tâm.
Anh Nguyễn Tiến Luật (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) là một trong những hộ dân đầu tiên nuôi cua trong hộp nhựa với quy mô 200 hộp. Nhờ mạnh dạn tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình của anh Luật đang bước đầu đem lại những kết quả khá tích cực, tỷ lệ sống đạt 90 - 93%.
Anh Luật cho biết: “Nuôi cua trong hộp nhựa có những ưu điểm đó là quản lý được con giống, nguồn thức ăn, các yếu tố môi trường, cua ít bị dịch bệnh và thuận tiện trong thu hoạch. Thức ăn của cua chủ yếu là thức ăn tươi sống như cá, hàu, vẹm. Đây đều là nguồn thu gom từ vùng biển của địa phương nên dễ kiếm và tiết kiệm chi phí. Nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo đủ độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, dao động từ 25 - 30 độ C. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để mở rộng quy mô”.
Nhằm phá thế độc canh con tôm, cải thiện môi trường tại những vùng nuôi kém hiệu quả, thường xuyên bị dịch bệnh, các mô hình thả nuôi cá chim vây vàng, nuôi tôm xen ghép với cá đối mục… được chú trọng triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Với sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh, đầu tháng 2/2024, anh Phan Công Huy (thôn Vĩnh thuận, xã Kỳ Ninh) bắt đầu thả nuôi 4.000 con giống cá đối mục xen ghép tôm thẻ chân trắng. Sau 5 tháng, cá và tôm đang phát triển tốt (cá đối đạt trọng lượng từ 0,4 - 0,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt hơn 80%).
Anh Huy chia sẻ: “Mô hình lợi cả đôi đường, vừa hạn chế tối đa dịch bệnh trên tôm - cá nuôi, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất. Giá trị kinh tế của cá đối mục lớn hơn so với các loại cá chẽm, cá măng…; thị trường tiêu thụ thuận lợi. Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh cũng đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ và hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra”.
Hiện nay, TX Kỳ Anh có diện tích hơn 580 ha nuôi trồng thủy sản ao hồ, mặt nước ở các vùng ven sông, ven biển, tập trung ở các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Trinh, Kỳ Hoa.
Để lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, TX Kỳ Anh đang chú trọng thực hiện chuyển đổi một số diện tích vùng ven biển, ven sông, vùng úng trũng nội đồng cho hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản; quy hoạch và huy động đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hoá.
Bên cạnh đó, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh cũng đang tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ để xây dựng các mô hình, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ mô hình phát triển.
Thời gian qua, Trung tâm đã tăng cường công tác tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi trồng các đối tượng thủy sản cho người dân; đồng hành cùng người nuôi trong việc tìm hiểu điều kiện tự nhiên của từng vùng để lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp. Nhờ đó, nhiều mô hình đã được triển khai như: nuôi ếch trên bè nổi ở đập dâng sông Trí, cua trong hộp nhựa, lươn không bùn, nuôi xen ghép cá đối mục và tôm, cá chim trắng vây vàng,... Bước đầu, các mô hình cho thấy phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Điều này cũng góp phần mở ra triển vọng đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi, nâng cao đời sống cho người dân