Có mặt trên vùng biển xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), chúng tôi chứng kiến hàng chục cọc tre được đóng chắc chắn, chôn sâu xuống dưới biển. Phía dưới, người dân đã chắn lưới để khoanh nuôi sò mặc dù đây không phải là khu vực được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Nhiều năm theo nghề khai thác thủy sản trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Chuẩn (xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) bức xúc trước tình trạng một số hộ dân tự ý đóng cọc tre và khoanh nuôi thủy sản bất hợp pháp tại khu vực này.
Ông Chuẩn cho biết: “Việc làm này của một số cá nhân đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, môi trường sinh thái và hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản. Thời gian qua, nhiều ngư dân ra khơi vướng phải những cọc tre này dẫn đến hư hỏng lưới cụ, đánh bắt không hiệu quả. Thậm chí, nhiều khi ngư dân không mặn mà ra biển vì mỗi lần vấp phải cọc tre là đành chịu cảnh "mất cả chì lẫn chài”.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Cẩm Xuyên đã giao Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với chính quyền các xã vùng bãi ngang và lực lượng công an, biên phòng ra quân tháo dỡ cọc tre, lưới vây nhằm lập lại trật tự nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng biển Cẩm Xuyên. Từ cuối tháng 4 đến nay, lực lượng chức năng đã triển khai 2 đợt ra quân, qua đó đã tháo dỡ hơn 40 cọc tre, 35 phao nổi, 37m lưới mà người dân tự ý khoanh nuôi trên biển.
Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm chia sẻ: “Thông qua tuần tra, giám sát trên biển, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chấp hành chủ trương tháo dỡ cọc tre khoanh nuôi trái phép trên biển, qua đó giải phóng diện tích mặt biển bị chiếm dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng này vì địa hình rộng lớn, người dân thường thực hiện hành vi bất hợp pháp này một cách lén lút nên không thể áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật”.
Không riêng địa bàn huyện Cẩm Xuyên, thời gian qua, tình trạng khoanh nuôi trái phép cũng diễn ra ở một số địa bàn khác. Tại huyện Nghi Xuân, trên khu vực cửa sông Lam (xã Xuân Hội), thời gian qua, 2 hộ dân đã xây dựng 2 bè nuôi hàu thử nghiệm với diện tích hơn 1.200m2. Được biết, mô hình này do 2 hộ dân đứng tên là ông Hoàng Văn Tiến và ông Lê Quang Trung, đều trú thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Tổng kinh phí đầu tư của mô hình là hơn 515 triệu đồng/hộ.
Điều đáng nói, đây là khu vực không nằm trong quy hoạch được phép nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi trồng mà người dân đang thực hiện cũng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép để triển khai.
Trước vấn đề này, UBND huyện Nghi Xuân đã thành lập đoàn đến kiểm tra trực tiếp tại thực địa. Tại đây, đoàn xác định mô hình nuôi hàu tại xã Xuân Hội triển khai trước khi có chủ trương phê duyệt đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện là sai quy định. Huyện Nghi Xuân đã yêu cầu chủ mô hình phải hoàn thiện các thủ tục liên quan để có thể tiếp tục nuôi thử nghiệm. Chủ mô hình cũng ghi nhận những sai sót, cam kết sẽ sớm hoàn thiện thủ tục theo quy định và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Được biết, để thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, cá nhân, cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu đã được quy định tại Luật Thủy sản năm 2018 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 26. Trong đó, địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển phải lập dự án nuôi trồng thủy sản và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản, trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 của Luật Thủy sản.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân tự ý thả nuôi các loài thủy, hải sản không nằm trong vùng quy hoạch và không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để nuôi trồng thủy sản. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không được phép thực hiện hoạt động nuôi trồng ở những khu vực chưa có quy hoạch hoặc đã có quy hoạch lĩnh vực khác. Đồng thời, các địa phương, ban, ngành liên quan cần chú trọng tăng cường quản lý, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh”.
Điều 38 Luật Thủy sản 2017 quy định:
- Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;
+ Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi;
+ Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động;
+ Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
+ Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Cơ sở nuôi trồng thủy sản dùng làm cảnh, giải trí, mỹ nghệ, mỹ phẩm phải tuân theo quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 38 Luật thủy sản.
Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển phải lập dự án nuôi trồng thủy sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản, trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 của Luật thủy sản.
- Về thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
+ UBND cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý.
+ Bộ NN&PTNT cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.
+ Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Thủy sản.
Ngoài ra, Mục 4, Chương II của Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.