Cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP "rót vốn" đầu tư, nâng tầm chất lượng

(Baohatinh.vn) - Nhiều chủ thể của sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

2.jpg
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ An Phong đầu tư nhiều loại máy móc để chế biến các sản phẩm từ nhung hươu.

Cuối năm 2023, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ An Phong (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) có 3 sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: cao nhung hươu Huso, Lộc Liên tâm trà và rượu nhung hươu Huso. “Tấm vé thông hành” này đã giúp công ty tạo dựng được uy tín trên thị trường, các sản phẩm của công ty có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và có nhiều đầu mối khách hàng bền vững như các doanh nghiệp, đại lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh thu công ty đạt khoảng 16 tỷ đồng.

Chị Phan Thị Hoài – Phó Giám đốc công ty cho hay, công ty chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2022 nhưng để có bước phát triển nhanh, một trong những giải pháp quan trọng của chúng tôi là chú trọng đầu tư thiết bị, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất.

87.jpg
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ An Phong có 3 sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao.

“Chúng tôi thường xuyên tìm hiểu để cập nhật, đầu tư các máy móc, công nghệ mới nhằm hiện đại hóa quy trình sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng và mẫu mã. Từ năm 2023 đến nay, công ty đầu tư kinh phí 2 tỷ đồng để mua sắm nhiều loại máy như: máy sấy thăng hoa, máy chiết rót tự động, máy nấu cao dược liệu, máy đóng gói tự động... Tới đây, chúng tôi dự định sẽ sản xuất thêm các dòng sản phẩm mới nên sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc. Cùng đó, sẽ tiếp tục quảng bá, bán hàng qua các nền tảng số để tăng tính nhận diện sản phẩm trên thị trường” – chị Phan Thị Hoài chia sẻ.

Xuất phát từ sản xuất bằng phương pháp truyền thống, năm 2020, cơ sở sản xuất bánh ram Anh Thu (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống máy móc hiện đại với nhiều khâu sản xuất tự động. Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

76.jpg
Đầu năm 2024 đến nay, cơ sở bánh ram Anh Thu đã xuất bán gần 8 tấn bánh ram.

Chị Lê Hoài Thu – chủ cơ sở bánh ram Anh Thu chia sẻ: Năm 2020, sản phẩm của cơ sở được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, chúng tôi đã liên tục mua sắm các máy móc sản xuất. Đầu năm 2024, cơ sở vừa đầu tư thêm hệ thống máy sản xuất bánh ram liên hoàn, phục vụ vừa tráng vừa sấy với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Dây chuyền sản xuất khép kín này không chỉ giúp giảm sức lao động mà còn đảm bảo tốt hơn các điều kiện sản xuất về an toàn sản phẩm. Trong năm nay chúng tôi cũng đã mở rộng thêm 1 nhà xưởng để đáp ứng quy mô sản xuất. Từ đầu năm tới nay, cơ sở đã xuất bán gần 8 tấn bánh ram, phục vụ thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đài Loan”.

Thời gian qua, nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói. Từ đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Mạnh dạn “rót vốn” đầu tư sản xuất, nhiều chủ thể OCOP đã đưa cơ sở từ đơn vị quy mô nhỏ lẻ, sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống trở thành cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô mở rộng, phát triển đa dạng mặt hàng, sản phẩm kinh doanh như: HTX mật ong Cường Nga, cơ sở giò chả Tiến Giáp, HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm, cơ sở giò chả Bình Sơn, HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương, Công ty TNHH sản xuất bánh đa nem Nhật Thành…

09.jpg
Nhờ đầu tư hệ thống máy móc, cơ sở Tiến Giáp đã đưa ra thị trường đa dạng sản phẩm giò, chả.

Anh Nguyễn Đình Giáp - chủ cơ sở giò me Tiến Giáp (thị trấn Hương Khê) chia sẻ: “Được khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô rộng rãi, mua sắm thêm các loại thiết bị hiện đại hơn để sản xuất giò chả. Từ một cơ sở nhỏ với một vài sản phẩm ban đầu, đến nay chúng tôi đã cho ra thị trường đa dạng các sản phẩm giò me, giò lụa, giò bò, chả sụn, chả mực, xúc xích… Sản lượng cũng tăng gấp nhiều lần so với trước đây”.

Theo đánh giá của Văn phòng NTM tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 247 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó 240 sản phẩm OCOP 3 sao và 7 sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã thay đổi tích cực về bao bì, mẫu mã. Nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu ra. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm đều tăng lên, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Nho "quý tộc" bén đất đồi Vũ Quang

Nho "quý tộc" bén đất đồi Vũ Quang

Mô hình trồng nho mẫu đơn của anh Nguyễn Thế Hoàn ở thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn.
Nghị lực vượt khó của chị Huyên

Nghị lực vượt khó của chị Huyên

Chồng mất sớm, gia cảnh khó khăn, chị Hoàng Thị Huyên (Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã nghị lực vượt lên số phận, trở thành tấm gương sáng cho chị em phụ nữ học tập.