Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ

Tuổi thơ của mỗi người thường gắn liền với những kỷ niệm, trò chơi bên bè bạn. Chính những trò chơi ấy giúp mỗi người trưởng thành trong sự hồn nhiên, lành mạnh và ngọt ngào.

Chơi ô ăn quan

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 1

Đây được xem là một trò chơi trí tuệ, có tính chất chiến thuật thường dành cho hai người chơi. Trò chơi sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm nên nó rất phổ biến ở mọi nơi. Chỉ với một viên phấn, viên gạch, những viên sỏi lớn nhỏ, một khoảng sân là các bạn đã ngay một buổi chơi ô ăn quan vô cùng vui vẻ và thú vị.

Bàn chơi là một hình chữ nhật được chia thành 10 ô vuông nhỏ (ô dân), mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai đầu được vẽ 2 hình bán nguyệt hướng ra phía ngoài (ô quan) một cách cân xứng. Người thông minh nhất sẽ nghĩ ra cách đi để giành được nhiều quân hơn đối phương. Khi kết thúc trò chơi, nếu bạn nào có nhiều quân sẽ giành chiến thắng.

Thảy gạch (Chơi chắt/ Dải gianh)

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 2

Đây là một trò chơi được rất nhiều bạn nữ yêu thích khi còn nhỏ. Nhiều người chắc hẳn còn nhớ những trưa hè nắng nóng, lò cò đi nhặt những viên đá vừa phải, tròn tròn để cùng nhau chơi. Một thành viên góp vào 5 – 10 viên, chơi theo hình thức một ăn một, hoặc hai, ba, bốn.

Khi chọn hòn đá nào để ăn, phải khéo léo để không va chạm vào viên khác. Trò chơi này cần nhiều đến sự linh hoạt và cẩn thận. Bởi vậy người chiến thắng sẽ không làm rơi đá. Để chọn ra ai là người chơi đầu tiên, mỗi người nắm 10 viên đá trong tay, sau đó lật tay bắt đá, ai bắt được nhiều nhất sẽ được chơi trước.

Bắn bi

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 3

Viên bi lung linh, nhiều màu sắc luôn là đồ chơi luôn hấp dẫn các bạn nam khi còn nhỏ. Trò bắn bi cuốn hút tất tất cả con trai khi còn thơ bé. Khả năng nhắm chính xác mục tiêu với những cự li khác nhau mang đến cho các cậu bạn những giờ phút vui chơi hết sức thoải mái. Người chiến thắng sẽ giành được những viên bi mình vừa bắn trúng của đối phương.

Rồng rắn lên mây

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 4

Đây là một trò chơi tập thể nên mỗi lần chơi, ai nấy đều giòn giã tiếng cười. Sẽ có một người đứng ra làm thầy thuốc hay chủ nhà. Những người còn lại sắp hàng dài, người đứng sau sẽ nắm lấy vạt áo hay ôm eo người đứng trước. Mọi người phải chạy hết công sức, có tinh thần tập thể cao. Bắt đầu chơi, tất cả sẽ hát bài: "Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc...".

Vừa hát vừa đi vòng vòng, sau đó các bạn sẽ dừng lại trước nhà thầy thuốc và hỏi xem thầy chọn khúc nào? Sau khi chọn được khúc ưng ý sẽ là lúc thầy thuốc tìm mọi cách để bắt được người đang đứng ở khúc ấy. Nhiệm vụ của người đứng đầu là dang tay không cho thầy thuốc bắt được. Nếu bạn nào bị bắt sẽ phải làm thầy thuốc để tiếp tục cuộc chơi.

Bịt mắt bắt dê

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 5

Bịt mắt bắt dê là trò chơi mang đến trải nghiệm kích thích, hồi hộp vì người chơi sẽ bị bịt kín mắt bằng một chiếc khăn. Cảm giác mò mẫm, đi tìm, bắt lấy một người thật thú vị với nhiều cô cậu. Cách chơi vô cùng đơn giản và không cần đến đồ vật gì phức tạp.

Sẽ có một người bị bịt mắt, những người còn lại sẽ đứng thành vòng tròn quanh người đó. Sau khi khẩu hiệu "bắt đầu" được hô vang, mọi người sẽ đi xung quanh cho đến khi có khẩu hiệu "dừng lại". Khi ấy người bị bịt mắt sẽ đi xung quanh để bắt 1 ai đó. Nếu đoán đúng tên thì người bị bắt sẽ phải ra thay thế, còn nếu đoán sai thì người đang bịt mắt vẫn phải tiếp tục đi "bắt dê".

Nu na nu nống

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 6

“Nu na nu nống/ Cái cóng nằm trong/ Cái ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Bụt ngồi bụt khóc/ Con cóc nhảy ra/ Ông già ú ụ/ Bà mụ thổi xôi/ Nhà tôi nấu chè/ Tè he chân rụt”. Đây là bài đồng dao quen thuộc mỗi khi chơi trò “nu na nu nống”.

Một nhóm ngồi thành hàng ngang, duỗi hai chân ra trước. Một bạn ngồi đối diện, lấy tay đập vào từng bàn chân theo nhịp từng từ một của bài hát trên. Khi dứt bài, từ "rụt" rơi đúng vào chân bạn nào thì phải rụt nhanh.

Nếu bị tay của cái đập vào chân thì người đó thua cuộc: ra làm cái ván chơi kế tiếp, hay chịu hình phạt (nhảy lò cò một vòng, trồng chuối...) hoặc phải đứng ra làm cái cho một trò chơi khác (bịt mắt bắt dê, ú tìm, cá sấu lên bờ...).

Nhảy dây

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 7

Những chiếc dây thun nối lại với nhau thành một sợi dài, sau đó người chơi sẽ oẳn tù tì để chọn ra 2 người thua cuộc cầm dây thun. Cách chơi nhảy dây thì vô cùng phong phú, đa dạng. Bạn có thể chơi nhảy dây theo kiểu từ thấp lên cao (từ bậc đầu gối, vạt áo, vai, đầu, nhón gót...), sau đó những người còn lại sẽ phải nhảy qua được sợi dây thun ở những bậc ấy.

Người nhảy không được đụng dây ở những bậc thấp sẽ vào thay thế cho 2 người cầm dây. Người chơi có sức bật cao và khéo léo thường sẽ chiếm vị trí thượng phong và được chơi lâu hơn.

Kéo co

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 8

Tục kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, nhưng bao giờ số người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình. Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ.

Một cột trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng để kéo. Sau khi hô khẩu lệnh bắt đầu, hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về bên mình là thắng.

Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng "dô ta", "cố lên". Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia.

Đánh đu

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 9

Trò chơi này rất phổ biến trong các ngày hội. Khi đó, làng thôn thường trồng một vài cây đu ở giữa thửa ruộng gần đình để trai gái lên đu với nhau. Cây đu được trồng bởi bốn, sáu hay tám cây tre dài vững chắc để chịu đựng được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính.

Hai cây tre làm cần đu nhỏ vừa tay cầm. Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh, đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia. Cần đu lên ngang với ngọn đu là hay nhất, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Nhiều nơi treo giải thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải. Nhún đu cũng là một sinh hoạt giao lưu, kết nối tình cảm của các đôi trai gái

Đánh quay

Những trò chơi dân gian thấm sâu trong ký ức tuổi thơ ảnh 10

Trò chơi này phổ dành cho con trai và chỉ phổ biến khi những con đường chưa đổ bê – tông ở nông thôn. Thường mỗi đội chỉ có 2 người chơi. Đồ chơi là con quay bằng gỗ hay sừng hình nón cụt, có chân bằng sắt.

Dùng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó được. Có thể dùng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì người chủ của con quay đó được nhất.

Hoàng Dung

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Cảm ơn đồng bào!

Cảm ơn đồng bào!

Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...
Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Nguyễn Nam Tiến - Trường THCS Kỳ Long (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở thành niềm tự hào khi trở thành thủ khoa môn KHTN - B (Hóa học) trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 vừa qua.