Những vị quan người Hà Tĩnh đứng đầu kinh thành Thăng Long thời nhà Lê

(Baohatinh.vn) - Trong số 11 vị đại quan đứng đầu kinh thành Thăng Long thời nhà Lê (thế kỷ XV-XVIII), Hà Tĩnh vinh dự có 3 người. Những đóng góp của họ đã được sử sách ghi nhận; là tấm gương tiêu biểu của lịch sử đất nước, tinh hoa của quê hương núi Hồng, sông La.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ, người sáng lập triều đại nhà Lý dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (thành phố Hà Nội). Khi tới Đại La, thuyền đỗ dưới thành, Lý Thái Tổ thấy rồng vàng hiện ở thuyền ngự, nên đặt tên thành là Thăng Long, rồi cho xây dựng cung điện, chùa chiền, đắp thành, đào hào… và từ đó Thăng Long trở thành kinh đô của nước ta cho đến ngày nay.

Ngay từ buổi đầu, triều Lý đã thành lập một cơ quan để trông coi việc hành chính, dân sự, trị an… ở kinh đô, mà người đứng đầu gọi là “Bình Bạc ty”. Đến thời nhà Trần đổi là “Đại An phủ sứ” rồi “Đại Doãn kinh sư”, “Trung đô Tổng quản”.

Thời nhà Hồ gọi là “An phủ sứ Đông Đô”. Sang triều Lê sơ, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) trở về sau lập thành phủ Phụng Thiên, thì người đứng đầu cai quản kinh đô gọi là “Phủ Doãn phủ Phụng Thiên”, hoặc “Tri phủ Phụng Thiên”.

b1-1340.jpg
Toàn cảnh Văn Miếu Hà Tĩnh - nơi lưu danh các bậc hiền tài.

Trải qua các triều đại phong kiến từ nhà Lý đến nhà hậu Lê, Thăng Long luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục… của nước ta, là đại bản doanh của chính quyền Trung ương, của vua chúa, và là đơn vị hành chính đặc biệt. Vì thế, các triều đại đều rất quan tâm, chú trọng đến việc chọn cử người đứng đầu đơn vị hành chính này. Những người được chọn cử chức vụ này hầu hết là các bậc đại khoa, có uy tín, đức độ, tài năng, nhất là phẩm chất cương trực, đức tính liêm khiết và lòng trung thực.

Trong số 11 vị đại quan đứng đầu kinh thành Thăng Long thời nhà Lê (thế kỷ XV-XVIII), Hà Tĩnh vinh dự có 3 người, mà những đóng góp của các vị cho kinh đô đã được sử sách ghi nhận và mỗi khi nhắc đến, Nhân dân Hà Tĩnh vô cùng kính trọng và tự hào. Đó là Quyền Tri phủ Phụng Thiên - Nguyễn Tôn Tây, Phủ Doãn phủ Phụng Thiên Nguyễn Tất Bột và Phủ Doãn phủ Phụng Thiên Hà Tông Mục.

t1-5875.jpg
Đền Đại khoa thờ Tiến sỹ Nguyễn Tôn Tây ở xã Thạch Khê (Thạch Hà).

* Nguyễn Tôn Tây sinh năm Ất Mão (1435), quê làng Thời Hoạch, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Năm Kỷ Vị (1439), thân sinh ông đến dạy học tại làng Long Phúc (nay là xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), làm nhà ở gần khe Đan Khê, cho nên Nguyễn Tôn Tây có tự hiệu là Phúc Khê. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông đã chuyển gia đình đến làng Long Phúc định cư. Ông là người giỏi cả văn lẫn võ, lại có sức lực hơn người, từng làm quan trải các chức: Thừa chính sứ thừa tuyên Thanh Hoa, Quản đô lực sĩ, Đề sát quân vụ.

Năm 1470, Nguyễn Tôn Tây được cử giữ chức Quyền Tri phủ Phụng Thiên. Thời kỳ này, Vua Lê Thánh Tông đã ban hành một số điều luật và khép các quan chức triều đình cũng như Nhân dân phải tuân theo, đặc biệt có bộ luật Hồng Đức nổi tiếng trong lịch sử. Bấy giờ ở Kinh đô Thăng Long xuất hiện tình trạng nhiều gia nhân của các quan lại và những kẻ có quyền thế khi mua sắm hàng hóa, thực phẩm ở các chợ búa, phố xá và trong dân, thường ỷ thế cướp đoạt, sách nhiễu, khiến cho dân tình oán trách. Với cương vị người đứng đầu Kinh đô, Quyền Tri phủ Phụng Thiên Nguyễn Tôn Tây đã tâu với vua “Định lệnh cấp thẻ cho người nhà bếp (trong cung) và các nhà thế gia, cũng như lệnh về việc các công sở mua vật phẩm”, nhằm quy định việc mua bán hàng hóa, nông sản và vật phẩm của nhân dân Kinh đô. Nhà vua sau khi xem xét, đã chuẩn y lời tâu và cho thi hành. Cả hai việc này nhằm ngăn cấm bọn tiểu lại ỷ thế triều đình và người hầu hạ ở các thế gia cướp bóc hàng hóa, sản vật của dân chúng.

Cùng thời gian, Nguyễn Tôn Tây cũng đã tâu với vua ra lệnh cấm mua bán những đồ quân trang quân dụng dành riêng cho quân đội như: nón “thủy ma”, nón “sơn đỏ”… Đồng thời tổ chức quy hoạch và định rõ địa giới hành chính kinh đô Thăng Long, gồm 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận với 36 phố phường. Cũng thời gian này ở biên giới phía Nam, quân Chiêm Thành thường tràn sang cướp phá. Ở phía Tây, giặc Bồn Man cũng xâm nhập quấy rối, sách nhiễu. Vì vậy, vua Lê đã cử Nguyễn Tôn Tây, Quyền Tri phủ Phụng Thiên giữ chức Đề sát quân vụ, đem quân đi đánh giặc, lập được công lớn, được đặc cách gia phong Tán trị công thần.

t7-593.jpg
Sắc phong cho Tiến sỹ Nguyễn Tôn Tây của vua Khải Định nhà Nguyễn (1924).

Theo truyền ngôn trong dân gian, Tiến sĩ Nguyễn Tôn Tây là người sống đức độ, thanh bạch, thương yêu giúp đỡ mọi người, rất được Nhân dân kính trọng, hàm ơn. Sau khi ông mất, Nhân dân ở xã Thạch Khê đã an táng tử tế và lập đền thờ theo kiểu thức “Tiền miếu Hậu lăng”. Đền trước làm bằng gỗ lợp tranh, năm Ất Vỵ (1895) đền được xây bằng đá và vôi trộn mật. Trải qua thời gian, đền đã xuống cấp, năm 2009 đã được phục hồi. Phía trước đền đề 3 chữ Hán “Đại khoa từ”. Trước đây, có 6 đạo sắc của các triều vua từ nhà Lê đến nhà Nguyễn phong cho Nguyễn Tôn Tây, nhưng đã bị thất lạc, hư hỏng, duy còn một đạo sắc của triều vua Khải Định ngày 25 tháng 10 năm 1924, được hậu duệ của ông ở xã Thạch Mỹ rước về thờ.

Tại Thăng Long, tên tuổi ông đã được khắc vào bia đá ghi danh những người đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Mùi (1463), cùng với tên tuổi các nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, Thám hoa Quách Đình Bảo, Hoàng giáp Vũ Hữu,… Ông là người đứng đầu kinh thành Thăng Long có đức, có tài, đã thực hiện được ý tưởng khắc trên tấm bia là “Kẻ sĩ may được khắc tên lên bia này tất phải làm sao cho “danh” xứng với “thực”…

Đền Đại khoa thờ Tiến sĩ Nguyễn Tôn Tây ở xã Thạch Khê đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2024.

t2-5415.jpg
Nhà thờ Tiến sỹ Nguyễn Tất Bột ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).

* Nguyễn Tất Bột sinh năm 1439, quê xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà, nay là phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh. Theo các tài liệu lịch sử, Nguyễn Tất Bột là cháu nội Nguyễn Thế Chẩn, người xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu (Nghệ An), từng làm quan cuối triều nhà Trần. Nhà Hồ lên ngôi, để tránh sự truy sát, hai cha con Nguyễn Thế Chẩn và Nguyễn Thế Võ đã chạy vào ở ẩn tại đất Đông Lỗ và đổi tên thành Nguyễn Tất Vinh (cha) và Nguyễn Tất Điệt (con). Khi Bình Định Vương Lê Lợi vào xây dựng căn cứ chống giặc ở Đỗ Gia, huyện Hương Sơn, hai cha con đều ra ứng nghĩa, lập được công lớn. Tất Vinh được phong Chánh đốc, sau giữ chức tại trấn Nghệ An. Tất Điệt cũng được xét công, bố làm Tri phủ phủ Hà Hoa, gồm 3 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh ngày nay.

Nguyễn Tất Bột là con trai Nguyễn Tất Điệt, mẹ mất sớm, cha đi làm quan xa và không bao lâu cũng qua đời. Ông được bà nội người họ Trương nuôi dạy khôn lớn và cho theo đuổi việc học hành đến nơi đến chốn. Khoa thi năm Bính Tuất (1466) đời vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi đỗ, ông ra làm quan thăng dần đến chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên, điều hành công việc của kinh đô Thăng Long, rồi thăng Hữu thị lang bộ Hộ. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Năm Hồng Đức thứ 14 (1483), triều đình theo lời tâu của Phủ Doãn phủ Phụng Thiên Nguyễn Tất Bột, đề ra sắc chỉ cho các thế gia ở các vệ phủ làm danh sách các nô tỳ, đem đến phủ Phụng Thiên để kiểm tra”.

Biện pháp của ông đã được vua Lê chuẩn y và cho thi hành. Hiện tượng các kẻ quyền thế ở kinh thành khi mua bán thường ức hiếp dân tình cũng xảy ra phổ biến. Ông đã liên tục ban bố lệnh nghiêm cấm. Tuy nhiên, tệ nạn này vẫn cứ tiếp diễn. Tháng 3 năm Hồng Đức thứ 15 (1484), với sự đề xuất của Phủ Doãn phủ Phụng Thiên Nguyễn Tất Bột, nhà vua đã phải ra sắc chỉ “Việc cấm mua bán ức hiếp đã có lệnh rất nghiêm, mà các nhà quyền hào vẫn chưa đổi thói cũ, hại dân chúng, hỏng chính sự, không gì tệ bằng. Kể từ nay phủ Phụng Thiên và 2 ty thừa hiến các xứ phải nhắc lại lệnh cũ, cấm đoán, răn bảo. Các nhà sắm sửa lễ vật cưới xin, nếu mua bán ở hàng chợ dân gian, hàng hoá lớn nhỏ đều phải theo thời giá, không được quen thói gian ngoan như trước, ỷ thế cậy oai, mua hiếp cướp đoạt, kẻ nào vi phạm thì trị tội theo như lệnh trước”. (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Ông cũng là một trong những người đã tham gia soạn thảo bộ luật Hồng Đức dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong thời gian Nguyễn Tất Bột giữ chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên, nhiều công trình về văn hoá, giáo dục đã được xây dựng nâng cấp như: khu Văn miếu Quốc Tử Giám làm thêm điện Đại Thành, điện Canh Phục, kho chứa ván in, đồ tế lễ, xây nhà Minh Luân, giảng đường, phòng học cho giám sinh, nhà bia đông tây. Đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức khắc và dựng bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long, mà ngày nay những tấm bia đá này đã trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới. Chắc chắn rằng, những sự kiện, công việc nói trên có sự đóng góp hết sức to lớn của Phủ Doãn phủ Phụng Thiên, Tiến sĩ Nguyễn Tất Bột.

Đến tuổi trí sĩ, ông trở về sống ở quê nhà Đông Lỗ, tiếp tục lập công trong việc khai hoang, lập làng và dạy chữ cho dân và mất không rõ năm, được Nhân dân suy tôn là “Tiên Công”. Sau khi mất ông được nhân dân tôn làm Thành hoàng và lập miếu thờ tại xóm Dương, nên có tên gọi là “Miếu làng Dương”. Các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong thần cho Nguyễn Tất Bột với vị hiệu “Tiền Lê triều Tiến sĩ, sĩ chí Hộ bộ thị lang, Triều liệt đại phu, Tham chính tri chức Đoan túc dực bảo trung hưng Quang ý Trung đẳng thần”.

Hiện nay, con cháu hậu duệ họ Nguyễn Tất còn lưu giữ được một đạo sắc của vua Thành Thái, đề ngày 25 tháng 9 năm 1894 có nội dung: “Sắc cho ấp Dương, xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thờ phụng vị Tiến sĩ triều Lê Nguyễn phủ quân chi thần. Hộ nước giúp dân đã từng linh ứng, từ trước đến nay chưa được dự phong, nay Trẫm vừa lên ngôi nối mệnh sáng, tưởng nhớ công lao của thần. Vậy phong làm “Dực bảo trung hưng Quang ý Trung đẳng thần” chuẩn cho thờ phụng như cũ, để thần giúp đỡ bảo hộ muôn dân của ta. Kính vậy thay”.

t5-417.jpg
Bia Sùng Chỉ đặt tại đền thờ Sùng Chỉ ở xã Tùng Lộc (Can Lộc).

* Hà Tông Mục sinh năm Quý Tỵ (1653) tại làng Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh, tính tình khẳng khái, 36 tuổi đậu Tiến sĩ, được bổ làm Đốc đồng 2 xứ Tuyên- Hưng. Thời kỳ này, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào khủng hoảng và suy thoái. Nhà Lê suy sụp, các phe phái phong kiến xung đột tranh giành quyền lực đã đẩy đất nước vào hoạ phân tranh và nội chiến kéo dài hàng mấy thế kỷ. Nhà Thanh (Trung Quốc) đã thay thế nhà Minh đang lớn mạnh chờ cơ hội lấn chiếm xâm lược nước ta.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Chúa Trịnh, người nắm quyền cai trị đất nước lúc bấy giờ, một mặt đưa ra chính sách ngoại giao hoà hiếu với nhà Thanh, mặt khác ra sức chống lại các đợt tấn công quấy phá xâm lấn vùng biên giới phía Bắc nước ta, giữ vững chủ quyền biên giới. Người thực hiện được chính sách đó là Tiến sĩ Hà Tông Mục, một danh tướng tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc. Chúa Trịnh đã cân nhắc ông lên làm Tự Khanh (1699) và Tả Thị Lang bộ Hình, Phủ Doãn phủ Phụng Thiên.

Năm 1702, Hà Tông Mục nhận lệnh làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Do đối đáp thông minh, ứng xử giỏi giang nên ông được vua nhà Thanh là Khang Hy rất trọng nể và tặng 3 chữ: "Nhược-Xung-Thiên" (có nghĩa là người có đức tính khiêm nhường, thông minh, đồng thời lại có chí khảng khái). Sau đó ông được phong chức Tham chính xứ Sơn Nam (bao gồm 4 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình ngày nay). Năm 1703, Nhân dân Kinh thành tổ chức trùng tu chùa Hoè Nhai, họ đã tín nhiệm mời Hà Tông Mục, người đứng đầu kinh thành Thăng Long soạn văn khắc bia ghi lại sự kiện này. Ông mất vào năm 1707, hưởng thọ 55 tuổi. Hà Tông Mục không chỉ là vị tướng lĩnh tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc mà còn là nhà sử học uyên thâm. Bộ Đại Việt sử ký tục biên, là một bộ sách quý do ông biên soạn còn được lưu truyền.

Hà Tông Mục không những được triều đình trọng dụng mà còn được Nhân dân kính trọng, ghi nhớ công ơn và lập đền thờ. Đặc biệt, năm 43 tuổi, ông được dân làng quê dựng bia, lập Sinh từ (đền thờ khi còn sống). Đây là một việc làm biệt lệ và rất hiếm hoi đối với những người làm quan trong các triều đại trước đây. (Trong lịch sử Hà Tĩnh có 2 người, một là Hà Tông Mục thời nhà Lê và hai là Nguyễn Công Trứ thời nhà Nguyễn. Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ được Nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lập đền thờ khi còn sống gọi là Sinh từ tại xã Quang Thiện hiện nay).

Bia Sùng Chỉ dựng vào năm Chính Hoà thứ 16 nhà Lê (1695), được chế tác bằng đá xanh nguyên khối, nặng hơn 1 tấn, cao 166cm đặt trên khối đá lớn. Bốn mặt bia đều có hình thức giống nhau và đều khắc lõm chữ Hán, có một số chữ Nôm ghi tên xứ đồng, ruộng đất, xung quanh trang trí hoa văn. Nội dung văn bia ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp cũng như những đóng góp to lớn của Tiến sĩ Hà Tông Mục cho đất nước và quê hương. Đặc biệt, dân làng xin tôn thờ ông làm Tổ Ông, bà vợ họ Vũ làm Tổ Bà của làng để thờ phụng mãi mãi. Bia Sùng Chỉ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Nhà thờ Hà Tông Mục đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.

Điểm qua vài nét về chân dung cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử quê Hà Tĩnh từng đứng đầu Kinh thành Thăng Long thời nhà Lê, chúng ta vô cùng lấy làm vinh dự và tự hào. Vì các nhân vật lịch sử ấy là tấm gương tiêu biểu cho lịch sử đất nước và là tinh hoa của quê hương Hà Tĩnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống