Nhút mít Hương Khê thành "đặc sản" hút khách dịp nghỉ lễ

(Baohatinh.vn) - Không phải là sơn hào, hải vị nhưng nhút mít đang trở thành món ăn bán chạy khi du khách và con em xa quê Hà Tĩnh tìm mua trong những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5.

Nhút mít là món ăn dân dã, đạm bạc. Trước đây, hầu hết các gia đình ở Hương Khê đều biết làm nhút và dự trữ nhút mít. Khi nguồn nguyên liệu dần ít đi, việc làm nhút cũng đòi hỏi nhiều công sức nên món ăn này vơi bớt mức độ phổ biến, ngày càng hiếm hơn. Những tưởng món nhút mít sẽ dần đi vào quên lãng, nhưng thời gian gần đây lại trở thành “đặc sản” được nhiều người tìm mua.

Nhút mít trở thành “đặc sản” trong thời gian gần đây.

Trước khi về nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cùng gia đình ở huyện Hương Khê, anh Hoàng Anh Thái (sống tại Đà Nẵng) đặt mua 1 hộp nhút mít 10kg. Anh Thái cho hay, kỳ nghỉ lễ năm nay khá dài nên chúng tôi sắp xếp về quê để nghỉ ngơi. Trong những thứ quà mang đi, tôi đặc biệt lưu ý đặc sản nhút mít; một phần vì nghiện món ăn từ thuở nhỏ, một phần để mời bạn bè, quảng cáo sản phẩm đặc trưng của quê hương.

Chị Trần Ngọc Thương – một người làm nghề kinh doanh thực phẩm ở thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê) cho biết, trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nhu cầu mua nhút mít rất lớn, gấp 5-6 lần so với ngày bình thường. Khách hàng phần lớn là con em ở xa về quê và du khách du lịch. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, không chỉ “tăng ca” làm trưa, làm tối mà tôi còn phải “huy động” thêm các thành viên trong gia đình phụ giúp. Dù sản lượng tăng nhiều lần, với khoảng 50 kg/ngày nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu người mua trong dịp nghỉ lễ này.

Chị Trần Ngọc Thương (thị trấn Hương Khê) chuẩn bị các công đoạn làm nhút.

Theo chị Trần Ngọc Thương, nhút mít Hương Khê trở nên đắt hàng do khá độc đáo về nguyên liệu. Ngoài mít non còn có thêm các thành phần quan trọng như lá đậu xanh (loại đậu có lá mềm, không nhám), cà pháo vàng (loại già), ớt, riềng, sả hoặc lá kiệu, củ hành tăm… tạo nên hương vị đặc trưng riêng có. Đặc biệt hơn là việc phát triển của thương mại điện tử. Chúng tôi quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội và nhận được phản hồi rất tích cực. Bây giờ, nhút mít cũng có thể đi đến mọi miền Tổ quốc nhờ thương mại điện tử.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở thôn 3, xã Phúc Trạch (Hương Khê) cũng tích cực "tăng ca" để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thành làm nhút không đủ bán trong những ngày nghỉ lễ.

Bà Thành chia sẻ: Gia đình làm nhút từ hàng chục năm nay. Trước đây, chủ yếu làm để nhưng một vài năm gần đây, số người làm nhút ít đi nên tôi làm thêm để bán, phục vụ nhu cầu bà con trong thôn, xã. Trong các đợt nghỉ lễ, nhu cầu mua nhút thường tăng đột biến. Những ngày lễ 30/4 – 1/5 này, mỗi ngày, chúng tôi bán được hơn 30kg, gấp gần nhiều lần so với những ngày thường.

Cũng như chị Thương, bà Thành, nhiều hộ gia đình sản xuất nhút mít cũng kín “đơn hàng” trong dịp lễ này do nhu cầu cao của du khách và con em xa quê. Theo các hộ sản xuất, dù nhu cầu cao nhưng việc tăng sản lượng sản xuất là rất khó do công việc làm nhút hiện hoàn toàn bằng thủ công; trong đó, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là băm mít tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Một số nguyên liệu phụ gia để làm nhút mít.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, từ một món ăn dân dã, nhút mít đang dần trở thành sản phẩm hàng hóa. Một số địa phương đã thành lập được tổ hợp tác để liên kết sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, nhu cầu đột biến trong những dịp lễ cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về tiềm năng thị trường tiêu thụ sản phẩm bản địa đặc trưng này.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay đối với sản phẩm nhút mít là nguồn nguyên liệu không ổn định, chất lượng sản phẩm không đồng đều… Trước mắt, cần có giải pháp về vùng nguyên liệu; tiến tới hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Video quy trình làm nhút mít.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói