Nơi cơn lũ đi qua...

(Baohatinh.vn) - Chớp mắt sau một đêm, tất cả xóm làng bị bao vây bởi nước lũ. Tiếng thở dài thườn thượt của lão nông hay giọt nước mắt của góa phụ là minh chứng cho cảnh xơ xác tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) những ngày qua. Không ai có thể giấu nổi niềm chua xót trước cảnh một phần máu thịt quê hương một lần nữa bị thiên tai tàn phá. Cảnh người dân vùng lũ đang oằn mình chống chọi với thủy thần khiến người ta phải xót xa.

noi con lu di qua

Chị Cao Thị Thu ( xóm Tân Hương, xã Hương Trạch - Hương Khê) thẫn thờ bên căn nhà giờ là đống đổ nát và túp lều bạt được người dân dựng ở tạm

Chiều buông trên rốn lũ

Có mặt trong đoàn cứu trợ đến với nhân dân vùng lũ Hương Khê, chúng tôi vượt qua những con đường lầy lội, quần áo màu xanh tình nguyện bỗng chốc ngả thành vàng, nhớp nháp của bùn đất. Sau hơn 1 giờ đồng hồ lênh đênh trên chiếc cano băng qua dòng nước lũ đang cuộn trào, chúng tôi cũng tiến được vào khu vực rốn lũ Phương Mỹ.

Cảnh tượng mênh mông nước bạc ngập tràn trước mắt, các trụ sở UBND xã, trường học, chợ, cầu cống đều bị nhấn chìm bởi trận mưa bất ngờ đổ xuống khiến giao thông bị chia cắt, nhiều gia đình rơi vào cảnh mất trắng, mọi sinh hoạt tại đây hoàn toàn tê liệt. Mò mẫm từng bước để di chuyển từ cano xuống thuyền gỗ, thỉnh thoảng con thuyền lại lắc lư, chao đảo khiến ai nấy giật mình sợ hãi.

“Chèo thuyền vào khoảng 500m nữa, cô sẽ tới được UBND xã. Từ đêm hôm trước, bà con đã kéo nhau lên đó trú ẩn rồi”, một cán bộ Đoàn xã cho biết.

Con thuyền chòng chành chở chúng tôi vào sát cầu thang của UBND xã. Tôi còn chẳng nhận ra đây là trụ sở hành chính cho tới khi sóng vỗ mạnh vào bờ tường khiến một chiếc bảng tên văng ra theo dòng nước. Từ trên tầng cao nhất của trụ sở, người dân ngoái nhìn xuống đoàn cứu trợ với ánh mắt cầu khẩn, những cánh tay đồng loạt giơ lên, vẫy vẫy: “Chúng tôi ở đây! Hãy giúp chúng tôi với!”.

Ông Hoàng Xuân Tần - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cũng đón tiếp chúng tôi bằng cái vẫy tay từ trên cao khi vừa thấy thuyền tiến vào trụ sở. “Trận mưa tối 14/10 làm 237 hộ trên địa bàn xã bị ngập hơn 1m, trong đó có 183 hộ ngập trên 3m. Tuy trời đã tạnh mưa nhưng xã chúng tôi vẫn bị cô lập hoàn toàn bởi nước rút rất chậm, chắc phải đến 1 tuần nước mới rút hết”.

Rời thuyền, trước mắt chúng tôi là một khung cảnh ngổn ngang: bàn ghế, giấy tờ, nồi niêu, chăn màn bày la liệt giữa phòng. Người đứng, kẻ ngồi nhốn nháo. Bên ngoài hành lang, một chiếc bếp ga mini được kê trên bàn gỗ, xung quanh là dao, thớt, bột ngọt, những gói mì tôm bóc dở rơi vương vãi trên sàn. Cắt điện, thứ gì cũng không, chỉ có những gói mì tôm, lương khô, lạc rang ăn tạm. Chị Hoàng Thị Tường (xóm Ấp Tiến) than thở: “Ngập hết rồi cô ạ, nhà 5 đứa con nhỏ lũ lượt kéo nhau lên đây trốn lũ, chẳng mang được thứ gì. Ăn tạm gói mì tôm rồi đêm về cùng mọi người kê sạp, trải chiếu nằm ngủ. Chẳng biết bao giờ nước rút mà về nhà nữa”.

Chúng tôi lại xuống thuyền chèo sâu vào trong xóm. Trời từ nắng ráo chuyển sang một màu xám đen, lác đác mưa. Người thanh niên chèo thuyền chở chúng tôi lầm rầm cầu khấn trời đừng mưa thêm nữa. Nghe đâu, có cơn bão ngoài xa khiến ai nấy thêm hoảng sợ. Băng qua những bụi cây nghiêng vẹo trong làn nước đục ngầu, chúng tôi có mặt tại gia đình bà Nguyễn Thị Liêm (xóm Ấp Tiến). Căn nhà 3 gian ngập sâu trong nước lũ. Ông bà và người con trai út bị nhiễm chất độc màu da cam đang ở trên một chạn nhỏ yếu ớt cùng ngổn ngang thứ đồ dùng may mắn sót lại.

Bà Liêm với vẻ mặt buồn bã, cất lời: “Ông bà già chúng tôi trời cho sống thế nào thì sống thế ấy, chỉ thương đứa con tật nguyền và mấy đứa cháu nhỏ, thấy nước lũ lên là thích thú mà không biết bố mẹ đang nẫu hết cả ruột gan”.

Cách đó vài nhà, gia đình ông Bùi Đình Hưng (xóm Ấp Tiến) nước ngập nhà hơn 2m. Trên một chiếc tấm gỗ cỡ lớn, tủ gỗ, bàn ghế, xe đạp… được buộc chặt để không bị nước đánh trôi. Ông Hưng tay bấu vào mái ngói rồi rón rén đi lại gần chúng tôi mà than thở: “Trâu bò, ngô khoai làm được bao nhiêu bị lũ cuốn hết rồi các cô chú ạ. Mấy ngày nay không có nước sạch mà tắm rửa; quần áo, chăn màn cất không kịp, ướt hết rồi; còn cái gì khô thì mặc cái đấy. Cũng may là khi nước dâng lên, tôi vẫn tranh thủ bịt được miệng giếng, không thì vài bữa tới không biết lấy nước đâu mà dùng”.

noi con lu di qua

Không thể kìm lòng trước gia cảnh sau lũ, ông Nguyễn Hữu Bình (xã Gia Phố, Hương Khê) bưng mặt khóc thút thít.

Trời dần về chiều, một màu tối đen lại bắt đầu phủ xuống xã nghèo đang bị cô lập bởi nước lũ. Một vài ánh nến dần le lói trên sóng nước bạc cuồn cuộn chảy. Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (xóm Tượng Sơn) còn chẳng thèm thắp nến, cũng chẳng thấy tiếng động gì ngoài tiếng nghịch nước của cậu con lớp 1. Mất hết trâu bò, thiệt hại hàng chục triệu đồng, căn nhà thì chìm trong nước lũ, chị Oanh thất thần: “Mấy hôm chèo thuyền đi khắp nơi tìm xem có thứ gì nhà mình rơi ra nhặt lại, chân ngâm nước lở loét hết cả mà không có thuốc. Thèm miếng cơm, miếng cháo mà chẳng biết làm sao. Nước sạch cũng không có, chỉ có lương khô, mì gói, miệng khô khốc hết cả”.

Chỉ vào một đứa bé gầy gò, quần áo ướt nhẹp, chèo thuyền để sang nhà hàng xóm xin thực phẩm, chị Oanh tiếp lời: “Thương nhất là bọn trẻ, mưa lũ xuống, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập trôi hết, không còn gì cô ạ. Chẳng biết bao giờ chúng mới được trở lại trường học nữa đây?”.

Tiếng thở dài của người đàn bà cùng tiếng mái chèo nhè nhẹ của đứa bé khuất dần giữa biển nước mênh mông. Phía xa xa, trên những con thuyền khác vang lên tiếng í ới gọi nhau “ăn chưa, đói không…” khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

noi con lu di qua

Hàng trăm héc-ta bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê tan hoang sau lũ

Nắng đã hửng, nước mắt đã thôi rơi

Rời rốn lũ Phương Mỹ, đoàn chúng tôi tìm đến xã Gia Phố, cũng là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Hương Khê khi nước cũng đã vơi dần. Quen với lũ lụt, luôn chuẩn bị kỹ càng để đối phó với thiên tai, tuy nhiên, khi nhắc tới trận lũ vừa qua, rất nhiều người dân xóm 12, xã Gia Phố vẫn thấy sợ.

Đang cào bùn đất ra khỏi nhà, ông Bùi Thọ (85 tuổi) nói vọng ra: “Nhắc lại làm gì nữa, còn sống đã là may rồi. Phận già như tôi cứ nghĩ là không còn được nhìn con cháu nữa. Chỉ mấy trận mưa, bỗng nhiên đến đêm, nước đổ ầm ầm về thì ai trở kịp”.

noi con lu di qua

Cha con ông Bùi Thọ (xã Gia Phố, huyện Hương Khê) đang dọn dẹp lại đống bùn đất trong nhà khi nước vừa rút

Ngôi nhà lụp xụp, ngổn ngang những vật dụng bị phủ dày bùn đất. Trận lũ vừa rồi để lại hậu quả quá sức tưởng tượng của ông. “Khoảng 20h (ngày 14/10), trời mưa to nên tôi lên giường nằm sớm, bỗng nhiên, nghe tiếng ầm ầm, cánh cửa đổ sập xuống. Dậy bật đèn pin xem thì thấy nước đã ào vào nhà, tôi không kịp thu dọn cái gì. May mà bà cụ bị đau chân nên con gái đưa về chăm chứ không thì... Mấy hôm nay, bà con làng xóm chèo thuyền đưa thức ăn sang không thì lão già này cũng về với tổ tiên lâu rồi”, cụ Thọ chia sẻ.

Rời khỏi nhà cụ Thọ, Trưởng thôn trẻ Trần Ngọc Dương đưa tôi đến nhà ông lão đơn thân Nguyễn Hữu Bình (SN 1954) đang cặm cụi đóng đinh sửa lại tấm ran giường. Thấy chúng tôi, ông dừng tay rót nước. Cái cốc rửa chưa sạch, nước chè đóng váng vì đã thiu. Thương quá, anh Dương đi rửa lại, chắt ít nước mưa còn lại trong bình nấu nước sôi uống. “Cả cuộc đời tôi gắn liền với mảnh đất này, chịu bao khổ cực, chưa một lần sợ hãi mưa bão nhưng lần này sợ thật rồi. Nước cuốn ầm ầm, tôi leo lên mái nhà kêu trời”. Nói đến đây, ông lão 62 tuổi khóc nghẹn, nước mắt chát chúa lăn trên khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo.

noi con lu di qua

Sự sẻ chia kịp thời của các tổ chức, cá nhân giúp bà con vùng lũ ấm lòng trong hoạn nạn

Anh Dương tiếp lời: “Dân vùng lũ ở đâu cũng thế cô ạ. Sống trong vùng tâm lũ hầu như gia đình nào cũng đóng những tấm ván gác qua hai chiếc xuyên gần nóc nhà, tạo thành nơi bảo quản lương thực và tránh trú khi mùa mưa lũ đến. Bằng cách này, nhiều gia đình đã an toàn trong cơn “đại hồng thủy”.

Cũng theo anh Dương, bao đời “sống chung với lũ”, hầu như người dân nơi đây chỉ dám làm nông từ khoảng tháng 3 đến tháng 8. Từ đấy trở đi, nhà nào gan lắm mới dám “đánh bạc” với trời, có trồng lúa, ngô, khoai cũng chỉ dám trồng nơi đất cao.

noi con lu di qua
noi con lu di qua

Các LLVT, ĐVTN kịp thời chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Nước rút xuống ngang đầu gối, trời cũng đã nắng ráo. Già trẻ, thanh niên không ai bảo ai cùng nhau lau dọn, vệ sinh, sửa sang lại nhà cửa. Khung cảnh người qua lại khiêng từng mảnh giường chiếu rời vụn, bàn ghế tuềnh toàng, khắc phục hậu quả lũ trở nên khẩn trương hơn. Từng đoàn cứu trợ mang lương thực từ khắp nơi đổ về. Những món quà thảo thơm cũng được trao tận tay bà con với tấm lòng ấm áp.

Nắng đã hửng, nước mắt cũng đã thôi rơi. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với triệu trái tim đang đồng lòng hướng về khúc ruột miền Trung, chúng tôi tin tưởng rằng, những cánh đồng sẽ chúm chím mạ non, những ruộng ngô, khoai sẽ ngả màu no ấm và người dân nơi đây sẽ lại rạng rỡ nụ cười...

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.