Bạn bè, người thân hiện diện bên quan tài của Eric Sison. (Nguồn: Reuters)
Một đoạn video thu qua điện thoại di động và được phát tán qua mạng xã hội dường như đã ghi lại khoảnh khắc Sison bị giết vào tháng trước, trong lúc cảnh sát đang tìm kiếm những kẻ buôn ma túy ở thị trấn Pasay.
Trong đoạn video, được một người hàng xóm ghi lại, có một tiếng hô lớn: "Đừng làm vậy, tôi sẽ đầu hàng!" Liền đó là tiếng súng nổ rền.
Một tấm poster được đặt gần chiếc quan tài màu trắng có ghi dòng chữ "Công lý cho Eric Quintinita Sison". Cạnh đó là một tấm biển viết tay với thông điệp khác: "Giết chóc quá mức. Công lý cho Eric."
Hai tấm biển này là những sự phản đối hiếm hoi, chống lại làn sóng giết chóc đã được tạo ra kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines cách nay hơn 2 tháng và tuyên bố sẽ tiễu trừ các trùm buôn bán ma túy. Ông muốn dẹp nạn nghiện ma túy "đá" methaphetamine đã lan rộng lâu nay, bằng nắm đấm thép.
Trong cuộc chiến do Duterte phát động, có ít thứ cản đường ông.
Tuần trước, số người bị giết kể từ ngày 1/7 đã chạm mốc 2.400. Khoảng 900 người bị giết trong các chiến dịch của cảnh sát và số còn lại là "những cái chết đang được điều tra" - cụm từ chỉ các nạn nhân bị những nhóm dân có vũ trang giết chết.
Điều gây sốc là ngay cả khi số người chết tăng lên, một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Pulse Asia diễn ra hồi tháng 7 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Duterte vẫn là 91%. Những lo lắng về tình trạng giết chóc quá mức ít khi lên mặt báo và các tờ báo ở đây cũng chỉ thích đưa tin về các vụ tiêu diệt nghi phạm ma túy mới nhất.
Cá nhân Duterte đã không ngại công kích người phê phán ông mạnh mẽ nhất, Thượng nghị sỹ Leila de Lima. Ông cáo buộc bà đã tham gia buôn bán ma túy và còn ngoại tình với tài xế riêng.
"Chỉ có ngài Tổng thống mới có thể dừng chuyện này lại được," bà de Lima chia sẻ với Reuters vào tuần trước. Bà nói về sự "điên loạn" đang ngự trị ở Philippines, đã dẫn tới việc một bé gái 5 tuổi bị bắn vào đầu ở đây.
"Chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận thêm bao nhiêu trường hợp nữa như thế, trước khi phải lớn tiếng thét lên?" bà hỏi.
Thi thể một kẻ buôn ma túy bị bắn chết ở Manila. (Nguồn: Japan Times)
Không chỉ lăng nhục bà de Lima, ông Duterte rủa xả gần như tất cả những ai chỉ trích mình. Ông lên án LHQ sau khi tổ chức này chỉ trích tình trạng giết chóc gia tăng ở Brazil. Ông đã từ chối tổ chức cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại một hội nghị được tổ chức ở Lào vào tuần này.
Duterte sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Lào trong ngày thứ Ba tới đây, nhưng nói trước rằng sẽ không nghe bất cứ bài rao giảng nào về nhân quyền từ vị nguyên thủ này, khi mà "ở Mỹ người da đen đang bị bắn dù họ đã nằm xuống đất (đầu hàng)."
Nỗi sợ lan rộng khắp nơi
Duterte có thể còn tăng cường hoạt động trấn áp sau khi 14 người bị sát hại vào cuối tuần trước trong một vụ đánh bom tại quê nhà ông ở Davao. Cảnh sát đổ lỗi cho Abu Sayyaf, một nhóm chiến binh có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà Duterte đã thề tiêu diệt.
Cuộc chiến chống ma túy đã khiến Duterte có kẻ thù ở khắp mọi nơi, đồng thời làm xuất hiện tin đồn về âm mưu ám sát nhằm vào ông. Bất chấp điều này, Duterte vẫn tuyên bố "tình trạng vô pháp luật" trên quy mô toàn quốc sau vụ nổ và cho phép binh lính tham gia gìn giữ an ninh với cảnh sát.
Có thể thấy rằng Duterte đã cố gắng đẩy mạnh ra toàn quốc, với một tốc độ rất nhanh, mô hình chống tội phạm mà ông đã khởi xướng tại Davao. Mô hình đó cho phép hoạt động bắn giết không qua xét xử như đang diễn ra hiện nay.
Nhiều nhóm nhân quyền đã ghi nhận hàng trăm vụ giết người gây ghi vấn ở Davao thời Duterte còn cầm quyền và nói rằng các đội hành quyết đã hoạt động trong điều kiện không bị trừng phạt ở đây. Duterte, còn có biệt danh "Người trừng phạt," đã bác tin yêu cầu tiến hành các vụ giết chóc không qua xét xử. Nhưng ông cũng không lên án các đội hành quyết.
Trên khắp đất Philippines hiện nay, danh sách các nghi phạm ma túy đang được những trưởng thôn, trưởng xóm chuyển cho cảnh sát. Điều này làm dấy lên cảm giác nghi ngờ và sợ hãi tại các cộng đồng dân cư.
Trong bối cảnh ấy, các chính trị gia Philippines hầu như im lặng. Một cuộc điều tra của Thượng viện Philippines, do bà de Lima lãnh đạo, chỉ mang tới khả năng đưa ra đề xuất thay đổi luật, chứ không thể trực tiếp cản bước những kẻ giết người.
Quan chức Philippines đốt cần sa thu giữ trong chiến dịch trấn áp ma túy. (Nguồn: Reuters)
Quá trình tìm hiểu về cuộc chiến tranh ma túy, phóng viên hãng tin Reuters thấy rằng Cơ quan nội vụ (IAS) của Cảnh sát Philippines và Ủy ban nhân quyền (CHR) đã đối mặt với số vụ giết chóc lớn tới mức họ chỉ có thể điều tra một lượng nhỏ trong đó.
Cụ thể, ông Leo Angelo Leuterio, lãnh đạo IAS, nói rằng nhiệm vụ của cơ quan ông là điều tra mọi vụ nổ súng liên quan tới cảnh sát. Nhưng do cả nước có khoảng 170 điều tra viên nên hiện IAS chỉ xử lý được 30% trong số khoảng 30 vụ nổ súng diễn ra mỗi ngày.
Về phần mình, CHR chỉ xem xét có 259 vụ/ hơn 2000 vụ giết chóc kể từ ngày 1/7. Trở ngại lớn nhất của họ là khó tìm thấy nhân chứng.
Có một nhân chứng đã tìm tới với CHR. Đó là Harrah Kazuo, người có chồng và bố chồng bị đánh đập dã man rồi bị giết chết trong một đồn cảnh sát. Kazuo kể với Reuters rằng khi cảnh sát tiến vào nhà cô lục soát, họ không hề có lệnh khám xét. Họ thậm chí đã lột cả đồ lót mà đứa con nhỏ của cô đang mặc để tìm ma túy.
Cảnh sát không bình luận về chuyện gì đã xảy ra ở nhà Kazuo, nhưng có 2 viên cảnh sát đã bị bắt và khởi tố vì giết người. Kazuo thì được CHR đưa vào diện bảo vệ nhân chứng.
Nhưng cô chỉ là một tiếng nói phản đối hiếm hoi, khi nhiều người khác chọn im lặng vì sợ hãi.
Trong ngày 29/8 năm nay, cảnh sát nói với các phóng viên rằng họ đã nổ súng bắn một nghi phạm buôn ma túy ở Tondo, một quận nghèo khó, đông dân của Manila.
Một phóng viên Reuters đã tới hiện trường, vào căn phòng của nghi phạm và thấy một chiếc đệm đẫm máu. Anh đã hỏi một hàng xóm xem người ta bắn tổng cộng bao nhiêu phát đạn, nhưng người này chỉ trả lời: "Xin lỗi bạn. Tôi chẳng nghe thấy tiếng súng nào cả."