Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

(Baohatinh.vn) - Nỗ lực trong việc xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh, Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là một trong 15 đơn vị cả nước được Bộ VH-TT&DL tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020.

Trên ghế đá, dưới những tán cây xanh mát gần cổng trường, một số phụ huynh đến đón con sớm đang chăm chú đọc sách; ở thư viện thân thiện gần đó, một em học sinh lớp 5C đang say sưa, chia sẻ với các bạn trong lớp về câu chuyện trong cuốn sách “Lòng nhân hậu” trong tiết học thư viện... Đó là những hình ảnh ấn tượng khi bước vào Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ.

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Phụ huynh đọc sách trong lúc chờ đón con ở thư viện xanh của Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ

Chị Lê Thị Huyền Trang ở tổ dân phố 2, thị trấn Đức Thọ chia sẻ: “Thế hệ trẻ bây giờ tiếp cận kiến thức với nhiều hình thức khác nhau, trong đó, sách không còn là niềm yêu thích hàng đầu. Thư viện xanh là nơi rèn thói quen đọc sách từ nhỏ cho các con nên tôi rất thích. Vào những thời điểm rảnh rỗi, tôi cũng tranh thủ đến trường vừa khám phá các tủ sách vừa cảm nhận không khí đọc sách của học sinh nhà trường".

Còn chị Phan Thị Đào (thôn Châu Lĩnh, Tùng Ảnh) cho hay: “Mặc dù, vợ chồng tôi đều làm nghề kinh doanh, khá bận bịu nhưng sự ham đọc sách của con khiến chúng tôi cũng hứng thú theo. Ngoài việc thường xuyên tìm sách hay cho con, chúng tôi còn dành thời gian để đọc sách cùng con. Chúng tôi rất yên tâm khi nhà trường tạo ra một môi trường thư viện để các cháu say mê bồi dưỡng kiến thức".

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Một tiết học thư viện tại “Thư viện thân thiện” của các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ.

Chị Trang và chị Đào đều là phụ huynh có con đã và đang theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ. Chị Trang có một cháu vừa lên lớp 6 và cháu thứ 2 vừa vào lớp 1; còn chị Đào là mẹ của cháu Lê Bảo Trân (lớp 5A) - vừa đạt giải nhì trong Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” toàn quốc năm 2020.

Cô Nguyễn Thị Gia Phú - chủ nhiệm lớp 5C chia sẻ: “Hình ảnh phụ huynh ngồi đọc sách ở thư viện xanh mỗi cuối chiều là điều thường thấy ở trường chúng tôi. Điều đó giúp chúng tôi có thêm niềm tin về sự kết nối chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh trong việc cùng giáo dục con em trưởng thành”.

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Học sinh tự chọn những cuốn sách mình yêu thích tại thư viện thân thiện

Là nhân vật chính của “Đại sứ văn hóa đọc”, các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ đã bày tỏ niềm yêu thích sách, yêu thích “ngôi nhà thư viện” của mình bằng nhiều cách.

Em Nguyễn Ngọc Diệp (học sinh lớp 5C) - Trạng nguyên toàn tài 2020 bày tỏ: “Với em, thư viện trường như một khu vườn cổ tích vậy. Ở đây, em được khám phá nhiều điều lý thú qua những cuốn sách. Nhờ kiến thức từ việc đọc sách, em tiếp thu bài giảng trên lớp trở nên hứng thú và dễ dàng hơn”.

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Với mô hình thư viện thân thiện, các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ được tự do khám phá kiến thức và rèn luyện kỹ năng học được từ sách. Trong ảnh: Học sinh tập vẽ trong giờ học thư viện

Từ niềm say mê đọc sách mà em Lê Bảo Trân (lớp 5A) đã “ẵm” giải nhất tỉnh và giải nhì toàn quốc cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2020. Bảo Trân chia sẻ: “Em rất hạnh phúc khi bố mẹ luôn tìm mua những cuốn sách hay cho em. Sau khi đọc xong em còn có thể chia sẻ với các bạn bằng cách mang những cuốn sách đó tặng cho thư viện trường”.

Sự thành công trong phát triển văn hóa đọc của Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ đã được các cấp ngành và các cơ quan chức năng ghi nhận trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, để có được điều đó là một sự nỗ lực lớn từ nhà trường.

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Thư viện trường đã giúp các "Đại sứ văn hóa đọc" mang tình yêu sách đến các bậc phụ huynh. Trong ảnh: Em Lê Bảo Trân và mẹ em là chị Phan Thị Đào.

Cô Phạm Thị Phương Lê - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ chia sẻ: "Năm 2013, thư viện nhà trường chỉ có một phòng rộng 20m2, bao gồm cả nơi để sách và phòng đọc. Không gian chật chội, đầu sách ít ỏi và hầu như không thu hút được học sinh đến đọc, mượn sách. Chúng tôi rất mong muốn khơi dậy phong trào đọc sách cho các em nhưng chưa biết bắt đầu thế nào".

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Thư viện xanh của Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ

Giữa năm học 2013 - 2014, sau khi tham quan, học hỏi một số mô hình thư viện xanh tại một số trường ở TX Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân..., Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ mới bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, việc tiến hành gặp nhiều khó khăn, như: nguồn ngân sách nhà trường hạn hẹp, khối lượng công việc khá nhiều...

Trong thời gian đó, nhà trường phải đi vận động từng gia đình phụ huynh, từng cơ sở kinh doanh... để nhờ họ ủng hộ. Rất may, phụ huynh và người dân đều rất đồng thuận, sẵn sàng hỗ trợ các công trình của nhà trường. Nhờ vậy thư viện xanh đã nhanh chóng đưa vào hoạt động trong năm học.

Nơi ươm mầm “Đại sứ văn hóa đọc” ở Đức Thọ

Cô Phạm Thị Phương Lê (ngoài cùng bên trái) đại diện nhà trường nhận Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc do Bộ VH-TT&DL chứng nhận năm 2020. Ảnh: Tư liệu

Mô hình thư viện xanh phát huy hiệu quả nhưng lại nảy sinh vấn đề khi thời tiết không thuận lợi. Năm 2016, Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ quyết định xây dựng thêm thư viện thân thiện, với phòng đọc gần 80m2.

Hiện nay, 2 mô hình thư viện (thư viện xanh và thư viện thân thiện) của trường có 2.214 đầu sách với gần 9.000 cuốn. Trong những năm học vừa qua, trường cũng đã bố trí đưa giờ học thư viện vào thời khóa biểu, mỗi lớp 1 tiết/tuần.

Với những nỗ lực trong việc phát triển văn hóa đọc, 6 năm liền (từ năm học 2014 - 2015), thư viện Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ luôn đạt danh hiệu thư viện trường học xuất sắc cấp tỉnh. Năm học 2019 - 2020, trường có 5 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 2 em đạt giải quốc gia (một giải nhất và một giải nhì) trong cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”.

Trường cũng vinh dự là 1 trong 15 tập thể cả nước được Bộ VH-TT&DL tặng giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.