Nông dân Hà Tĩnh chủ động chống rét cho mạ và lúa xuân

Trước tình hình nhiệt độ xuống thấp gây rét đậm, rét hại, bà con nông dân Hà Tĩnh đã chủ động ra đồng chống rét cho mạ và lúa xuân.

Nông dân xã Lâm Trung Thủy chống rét cho mạ

Là nông dân giàu kinh nghiệm, những đợt rét trong thời điểm bắc mạ, gieo cấy vụ xuân như vừa qua đã không làm bà Phạm Thị Hoàn ở xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) bị động, bất ngờ. Ngược lại, ngay từ đầu vụ, cùng với chuẩn bị cày bừa đất, chuẩn bị giống, bà Hoàn đã không quên mua thêm ít nilon, cùng với tre nứa để che phủ cho mạ khi trời rét.

“Sản xuất vụ xuân năm nào cũng vào mùa mưa lạnh nên chúng tôi đã quá quen. Đặc biệt, việc che phủ nilon chống rét cho mạ đã được chúng tôi thực hiện từ nhiều năm qua” – bà Hoàn cho hay.

Ở thửa ruộng bên cạnh, bà Phạm Thị Hà cũng đang phủ nilông cho trà mạ xuân muộn. Với 7 sào sản xuất vụ xuân, bà Hà đã mua gần 7kg nilon để phủ cho toàn bộ diện tích mạ. Đối với sản xuất vụ xuân, hằng năm gia đình bà đều thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ, nhờ vậy nguồn giống cấy luôn đảm bảo, mạ khỏe, lúa phát triển tốt, cho năng suất thu hoạch cao.

Trên đồng ruộng Đức Thọ, 100% diện tích mạ đã được che phủ ni lon

Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết, vụ xuân 2021, toàn huyện đặt kế hoạch gieo cấy 6.490 ha, tương ứng diện tích mạ 640 ha. Đến nay, các địa phương trong huyện đã hoàn thành bắc mạ đợt 1 cho các loại giống xuân muộn với hơn 120 ha. 100% diện tích mạ ở Đức Thọ đã được che phủ nilon chống rét.

Theo ông Đông, để có kết quả này, từ những năm trước, huyện Đức Thọ đã làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo và có chính sách hỗ trợ mua nilon cho người dân. Qua 1-2 năm người dân thấy hiệu quả nên đã sẽ chủ động triển khai, không cần phải tuyên truyền khuyến cáo nhiều.

Lộc Hà là địa phương có diện tích mạ đã bắc lớn thứ 2 tỉnh sau Đức Thọ với diện tích 65 ha. Đến nay, một số địa phương như: Ích Hậu, Hồng Lộc, thị trấn Lộc Hà đã tiến hành gieo cấy lúa trà xuân sớm.

Nông dân Ích Hậu (Lộc Hà) ra đồng cấy lúa trà xuân sớm

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, trước diễn biến thời tiết rét hại, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo, đối với những diện tích đã gieo cấy, bà con cần duy trì lớp nước mặt từ 3 – 5 cm với phương châm là “lấy nước làm áo” nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét cho lúa, tuyệt đối không được để ruộng khô cạn. Trong thời gian này không được chăm sóc, đặc biệt là bón bổ sung phân đạm, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì mới tiến hành. Đồng thời, bà con tiếp tục bảo vệ diện tích mạ dư thừa và mạ dự phòng để phòng trường hợp, rét kéo dài gây chết lúa thì vẫn có đủ lượng mạ đúng giống, đúng tuổi để rặm kịp thời đảm bảo thời vụ và mật độ.

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến chiều ngày 8/1, toàn tỉnh đã bắc mạ được 258,5 ha, tương ứng diện tích cấy 3.790 ha. Các địa phương có diện tích bắc mạ lớn là: Đức Thọ (120 ha), Lộc Hà (65 ha), Nghi Xuân (61 ha)….

Nhiều dện tích mạ ở Nghi Xuân cũng được che phủ nilon

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, vụ xuân 2021, các địa phương đã xuống giống cơ bản đúng lịch thời vụ. Về diễn biến thời tiết cũng đã sát với kịch bản dự báo từ đầu vụ. Đợt không khí lạnh mạnh này sẽ gây ra một đợt rét đậm, có ngày rét hại kéo dài đến hết ngày 12/1 với nhiệt độ thấp nhất khả năng xuống mức 7-10C. Vì vậy, bà con phải tuyệt đối tuân thủ đúng kỹ thuật ngâm ủ giống cũng như phóng chống rét cho diện tích mạ đã bắc.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian che nilon cho mạ, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng dần > 15 độ C và có nắng vào buổi trưa, cần phải mở hai đầu ni lông vào ban ngày để thoát hơi nước, giúp cây quang hợp tốt hơn. Nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy nilon.

Ngoài ra, cần bổ sung cho mạ một lượng phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp cây ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn. Đồng thời, ruộng mạ cũng cần cho nước ở mức 2 cm để giữ ấm. Tuyệt đối không được bón đạm urê hoặc phân bón lá giàu đạm cho mạ trong những ngày này.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói