Sản lượng cam Hương Sơn sụt giảm, nông dân "gồng mình" giữ giá

(Baohatinh.vn) - Các vườn cam ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã bắt đầu cho thu hoạch. Mặc dù sản lượng có giảm hơn so với các năm song giá bán ở các nhà vườn đang khá tốt.

bqbht_br_img-6623.jpg
Thu hoạch cam tại hộ gia đình ông Lê Văn Phúc, thôn Tân Hoa, xã Kim Hoa.

Ông Nguyễn Văn Hợi (SN 1957, thôn 6, xã Sơn Trường) là một trong những hộ trồng cam chanh thành công ở xã Sơn Trường nhiều năm nay, với sản lượng bình quân hàng năm từ 10 – 15 tấn trên diện tích 1,2ha. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi mùa thu hoạch đã vào chính vụ, năng suất chỉ đạt khoảng 60% so với năm 2023.

“Năm nay do thời tiết nắng nóng, cây ra hoa nhiều nhưng không đậu quả. Hơn nữa, theo quy luật của nhiều năm, cứ năm trước được mùa năm sau sẽ mất, năm ngoái tôi được kha khá thì năm nay sản lượng giảm hẳn. Không chỉ riêng gia đình tôi, những người trồng cam trong xã đều như vậy cả” – ông Hợi cho biết.

bqbht_br_img-6221.jpg
So với nhiều năm trước, sản lượng cam năm nay ở xã Sơn Trường sụt giảm khá lớn.

Vụ cam năm nay, hộ ông Nguyễn Thương Hà (SN 1969, thôn 5, cùng xã Sơn Trường) đã phải ngậm ngùi khi năng suất giảm mạnh ở cả cam chanh và cam bù. Ông Hà cho biết: "Những năm trước, với 0,5 ha cam bù, hơn 1 ha cam chanh doanh thu bình quân đạt trên dưới 200 triệu đồng. Mặc dù ngay từ đầu vụ, gia đình đã tập trung đầu tư nguồn phân bón hữu cơ khá lớn và dày công chăm sóc nhưng theo ước tính, tổng nguồn thu nhập của gia đình chưa đến 100 triệu đồng, giảm 50% so với năm trước vì sản lượng kém".

Toàn xã Sơn Trường có hơn 700 hộ chuyên canh trồng cam với diện tích gần 400 ha. Hiện tại, cam chanh bắt đầu chín, một số hộ đã thu hoạch tỉa và xuất bán ra thị trường. Theo bà con, vì mới bắt đầu vào chính vụ nên giá cam chưa ổn định, dao động khoảng từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Cam bù sẽ bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng 2 năm sau (dịp tết Nguyên đán hàng năm). Tuy nhiên, khác với mọi năm, nhìn chung, sản lượng cam của xã năm nay sụt giảm khá nhiều.

bqbht_br_img-6233.jpg
Toàn xã Sơn Trường có hơn 700 hộ chuyên canh trồng cam với diện tích gần 400 ha.

Theo bà Trần Thị Nhâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trường, sản lượng cam toàn xã năm nay dự kiến thấp hơn nhiều so với mọi năm, chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính vẫn do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài trong quá trình sinh trưởng của cam. Ngoài ra, một số vườn tình trạng suy thoái của cây đã bắt đầu xuất hiện nên không cho năng suất đạt đỉnh như những năm trước.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, sản lượng cam ở xã Sơn Trường đạt 4.400 tấn; năm 2022 đạt 3.900 tấn; năm 2023 đạt 3.995 tấn. Dự kiến năm 2024 chỉ đạt khoảng 3.500 tấn.

bqbht_br_img-6597.jpg
Vườn cam của anh Lê Văn Phúc đã cho thu hái.

Xã Kim Hoa cũng là địa phương có diện tích trồng cam lớn của huyện Hương Sơn. Toàn xã có khoảng 700 ha chuyên canh trồng cam, trong đó có gần 500 ha cam chanh, còn lại là cam bù. Năng suất cam hàng năm của xã Kim Hoa dao động từ 18 – 19 tấn/ha. Riêng năm 2024, khả năng năng suất chỉ đạt khoảng 16 – 17 tấn/ha, giảm 1 - 2 tấn/ha so với trước đây. Mặc dù năng suất sụt giảm nhưng giá cam tại vườn ở xã này đang được bán khá cao.

Anh Lê Văn Phúc (SN 1977, thôn Tân Hoa) cho biết: "Gia đình có 1,5 ha cam. Năm 2023 sản lượng thu hoạch được trên 20 tấn, với giá bán dao động 20 - 22.000 đồng/kg, tôi thu được hơn 400 triệu đồng. Theo dự ước, sản lượng năm nay cũng tương đương nhưng giá bán cao hơn (28.000 - 30.000 đồng/kg) nên doanh thu có thể cao hơn, ước đạt gần 600 triệu đồng".

Ông Thái Vinh Quang - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp sản xuất cam xã Kim Hoa cho hay, năm nay sản lượng cam của gia đình giảm khoảng 10% nhưng vì giá tăng nên hiệu quả thu được cao hơn năm 2023. Toàn chi hội hiện có 20 hộ chuyên trồng cam chanh với diện tích hơn 45 ha, trong số này, cũng có hộ giảm năng suất song giá tăng nên nhìn chung hiệu quả vẫn đạt khá tốt.

bqbht_br_img-6605.jpg
Anh Lê Văn Phúc, thôn Tân Hoa đang bán giá 28.000 - 30.000 đồng/kg cam tại vườn.

Theo bà con nông dân, hiện tại các vườn cam trên địa bàn Hương Sơn đã chín khá đều. Cùng với thương hiệu và chất lượng cam Hương Sơn đã được khẳng định từ nhiều năm nay, hầu như các nhà vườn không quá vất vả tìm đầu mối tiêu thụ. Hiện tại, giá thương lái vào mua tận vườn dao động từ từ 28.000 - 30.000 đồng/kg (cam loại 1). Để có nguồn thu tốt, các nhà vườn đang thu hoạch tỉa, chờ xuất bán vào dịp tết Nguyên đán tới với mức giá có thể đạt từ 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Quang Hoà - Trưởng phòng NN&PTNT Hương Sơn, toàn huyện hiện có 2.250 ha diện tích trồng cam, trong đó có 1.300 ha cam bù, còn lại là cam chanh. Theo dự ước, sản lượng năm nay ước đạt 20.000 tấn, trong đó có khoảng 12.000 tấn cam chanh. Mặc dù sản lượng một số vùng có sụt giảm so với các năm trước song, thu nhập từ thu hoạch cam của toàn huyện vẫn khả năng tăng khoảng 17% so với cùng kỳ 2023. Thời hạn thu hoạch đối với cam chanh từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12 còn cam bù sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, mật ong Thức Dung (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.