Trong những ngày giá rét, trên các đồi chè xã Sơn Kim 2, Sơn Kim 1, Sơn Tây, Sơn Lâm... người dân vẫn mặc áo ấm, quàng khăn, đeo giỏ tiến hành thu hoạch chè nguyên liệu. Đây là lứa chè xuân đầu tiên trong năm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Chế Biến, xã Sơn Kim 2 nhận giao khoán hơn 8 sào chè nguyên liệu liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn gần 7 năm nay.
Nhờ áp dụng kỹ thuật đốn chè hợp lý, cộng với đầu tư phân bón, nên chè vụ xuân của gia đình chị Thuý cho nhiều búp, sản lượng tăng lên đáng kể so với vụ thu hoạch trước đó.
Những ngày này, gia đình chị thuê 5 nhân lực thu hái lứa chè xuân. Chị Thúy chia sẻ: Bắt đầu từ ngày 20/2 chúng tôi tiến hành thu hoạch chè. Ngoài đảm bảo các biện pháp kỹ thuật, đầu năm thời tiết thuận lợi, có nhiều đợt mưa vừa và nhỏ nên chè sớm đâm búp. Mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 50 – 70 kg chè tươi. Hiện tại mỗi kg chè búp tươi nhập cho Xí nghiệp chè Tây Sơn với giá 6.100 đồng.
“Những lao động tham gia hái chè thu nhập bình quân mỗi ngày từ 250 – 300 nghìn đồng nên họ rất tích cực, lên đồi hái chè từ sáng sớm” - chị Thúy cho biết thêm.
Sáng sớm tại vùng chè ở các thôn Trung Lưu, Phố Tây, Hoàng Nam, Hà Chua... xã Sơn Tây, nhiều hộ dân đang say sưa thu hái với không khí rộn ràng dù tiết trời buốt giá…
Ông Nguyễn Sỹ Hùng – Trưởng thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây cho biết: "Toàn thôn có 70 hộ trồng chè nguyên liệu với diện tích 20 ha. Tuy sản lượng chưa nhiều như chè chính vụ song nhìn chung cây chè phát triển tươi tốt, cho búp đồng đều. Chè hái xong nhập được ngay nên bà con rất phấn khởi."
“Lứa chè xuân dù mới là lứa tạo tán nhưng gia đình tôi thu hoạch được gần 1 tấn chè búp tươi, thu về hơn 6 triệu đồng sau 3 ngày thu hoạch. Sau đợt thu hoạch này, bà con trồng chè nghỉ 4 - 5 ngày và sẽ tiến hành thu hoạch đợt tiếp theo ”- ông Hùng cho biết thêm.
Đa số diện tích trồng chè trên địa bàn huyện Hương Sơn đang được liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn và Tổng đội Thanh niên xung phong. Nông dân được hỗ trợ về giống, phân bón, cũng như kỹ thuật nên việc trồng chè của người dân trở nên dễ dàng hơn.
Theo ông Nguyễn Hồng Sánh – Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn, hiện tại 400 ha chè liên kết đã và đang tiến hành thu hoạch đợt đầu tiên, sản lượng búp chè tươi ước đạt 182 tấn, tăng gần 20 tấn so với năm trước, đảm bảo nguồn nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
"Sau thu hái chè vụ xuân, các hộ dân sẽ tiến hành bón phân, chăm sóc cây chè để nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm cây trồng này trong vụ thu hoạch chính. Hiện chúng tôi đang tính toán tăng giá thu mua chè búp tươi lên 6.500 đồng/kg để các hộ dân có thêm thu nhập và yên tâm sản xuất” – ông Sánh trao đổi.
Toàn huyện Hương Sơn hiện có 622 ha diện tích chè công nghiệp, sản lượng chè búp tươi bình quân hằng năm đạt trên 8.000 tấn. Trong năm 2021, huyện Hương Sơn đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người trồng chè mở rộng được 17 ha diện tích, hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 40 ha chè tại các vùng trọng điểm khô hạn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. |