Nông dân “mất ăn, mất ngủ” vì chuột phá hại lúa

(Baohatinh.vn) - Giăng bẫy, bỏ thuốc sinh học, đào bắt… là những giải pháp mà bà con nông dân Hà Tĩnh đang tập trung triển khai để hạn chế sự phá hại của chuột đối với lúa xuân.

Gần 1 tháng nay, trên các cánh đồng lúa ở huyện Cẩm Xuyên xuất hiện nhiều chuột cắn phá lúa. Bà con đã làm nhiều cách từ thuốc sinh học, giăng bẫy, đào hố bắt… nhưng chuột vẫn hoành hành.

IMG_6438 copy.jpg
Ngoài dùng thuốc sinh học, chị Hoàng Thị Hoa (thôn Trung Tiến, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) còn giăng những búi nilon dọc các ruộng lúa để xua đuổi chuột.

Vừa bỏ thuốc sinh học bẫy chuột tại 3 sào ruộng của gia đình, chị Hoàng Thị Hoa (thôn Trung Tiến, xã Nam Phúc Thăng) vừa thở dài: "Vụ lúa xuân năm nay chuột nhiều vô kể, trước khi gieo, gia đình đã dùng thuốc sinh học diệt chuột chết như ngả rạ. Gieo trỉa xong không biết chuột ở đâu đến rất nhiều, phá hại lúa của hầu hết bà con trong thôn. Gia đình tôi năm nay làm gần 6 sào trên 2 thửa ruộng, thửa nào cũng bị chuột phá. Lúa đang vào thời kỳ cuối đẻ nhánh nên việc chuột phá hoại khiến cây khó có khả năng phục hồi, ảnh hưởng tới năng suất cuối vụ”.

IMG_3475 copy.jpg
Dù bà con xã Nam Phúc Thăng đã triển khai nhiều giải pháp tiêu diệt chuột, nhưng tình trạng chuột cắn phá lúa vẫn diễn ra.

Cũng theo chị Hoa, dù gia đình đã làm rất nhiều cách phòng chống như: bẫy, làm hình nộm trên đồng để dọa chuột, nhử thuốc, đào bắt nhưng chuột vẫn nhiều. Lúa bị chuột cắn phá từ đám này đến đám khác, mỗi khi ra thăm đồng nhìn rất sốt ruột.

514DE422-BFA2-40CB-84F0-57F148BACFAA copy.jpg
Do nằm ở vùng cao cưỡng nên diện tích lúa của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Thanh Sơn, xã Cẩm Quan) bị chuột cắn phá nghiêm trọng.

Tại các cánh đồng lúa ở xã Cẩm Quan, bà con nông dân cũng đang "đau đầu" vì chuột. Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Thanh Sơn) cho biết: “Trước nạn chuột phá lúa, gia đình tôi đã mua thuốc sinh học về bẫy. Dù đã bỏ thuốc sát nhau, từ giữa ruộng đến trên bờ nhưng cũng không ăn thua, chuột vẫn cắn phá nhiều. Bà con chúng tôi đang lo cho năng suất lúa cuối vụ nếu chuột cứ cắn phá lúa mãi như thế này”.

Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Vụ lúa xuân năm nay, toàn huyện có trên 30 ha lúa bị chuột cắn phá từ 3% trở lên. Phòng đã hướng dẫn bà con chủ động trong kiểm soát nạn chuột như: đặt bẫy, bắt thủ công, giữ ổn định mực nước để chuột sợ không dám vào sâu trong ruộng cắn phá. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời cấy bổ sung lúa ở những khu vực bị chuột phá để bảo toàn năng suất lúa cuối vụ”.

z5228032783625_84184c290e1a1c8ffdfddb5484a22d2f copy.jpg
Người dân xã Sơn Long (Hương Sơn) dùng bao nilon làm hàng rào ngăn bờ nhằm hạn chế sự phá hoại của chuột.

Không chỉ ở vùng đồng bằng, tại các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, tình trạng chuột cắn phá lúa cũng diễn ra.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (thôn 4, xã Sơn Long, Hương Sơn) cho biết: “Sáng tôi ra thăm ruộng thấy chuột cắn 2 đám lúa to, chiều mang thuốc ra bẫy hôm sau lại thấy cắn thêm 2 đám mới. Mặc dù gia đình đã đầu tư mua bao nilon làm hàng rào ngăn bờ nhưng tình trạng chuột cắn phá lúa vẫn diễn ra”.

IMG_3464 copy.jpg
Người dân xót xa nhìn lúa bị chuột cắn phá.

Theo bà con các địa phương, nguyên nhân chuột nhiều là do mấy năm nay ít mưa lũ lớn nên các hang, ổ không bị ngập, chuột sinh sôi với số lượng lớn. Vào thời điểm này, các trà lúa cũng đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, trở thành nguồn thức ăn cho loài vật này. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm sinh sản của chuột, loài gặm nhấm này sẽ tăng nhanh về số lượng và gây hại trên tất cả các trà lúa khi lúa bắt đầu từ giai đoạn đẻ nhánh đến thu hoạch.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, chuột gây hại trên lúa gieo thẳng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, đặc biệt ở các vùng gần gò đồi, gần làng, vùng cao cưỡng, cạn nước với tỉ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%, với diện tích gần 130 ha.

IMG_3437 copy.jpg
Người dân làm mồi nhử để diệt chuột phá hoại lúa xuân.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: “Đây là thời điểm chuột phá hoại lúa mạnh nhất. Để diệt chuột hiệu quả, người dân cần thăm đồng thường xuyên, chủ động thực hiện các biện pháp. Khi ra quân diệt chuột, người dân chỉ nên sử dụng các biện pháp thủ công, tuyệt đối không sử dụng kích điện.

Bà con có thể sử dụng thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để diệt chuột, nhưng vẫn nên ưu tiên các loại thuốc từ chế phẩm sinh học, ít độc hại với con người, vật nuôi và môi trường. Trong trường hợp chuột cắn phá quá mạnh, phải sử dụng thuốc hóa học thì cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn”.

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.