Vườn dưa hấu xanh mướt của ông Cao Đình Toán ở xã Xuân Hồng đang được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Ông Toán cho biết: "Vụ dưa năm nay tôi xuống 4 đợt giống trên diện tích hơn 1 ha. Đầu vụ thời tiết khá thuận lợi, mưa ít, nắng nhiều nên dưa ra hoa, đậu quả sớm. Lứa dưa đầu tiên có diện tích 5 sào hiện cho quả đồng đều, trọng lượng bình quân gần 1 – 1,2 kg/quả, dự kiến đến cuối tháng 4 sẽ cho thu hoạch.
Những ngày này, bà con nông dân xã Xuân Hồng tích cực bám đồng bón phân, nhổ cỏ, chăm sóc dưa hấu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng: Toàn xã có hơn 35 ha trồng dưa hấu tập trung, lớn nhất huyện. Dưa hấu được trồng nhiều đợt để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch. Qua kiểm tra, dưa hấu năm nay phát triển tốt, hứa hẹn mang lại năng suất cao, sản lượng cao.
Trên khắp cánh đồng ở xã Cổ Đạm, bà con nông dân cũng tích cực chăm sóc các loại dưa bở, dưa lê, dưa hấu. Vùng đất này được xem là “vựa” dưa bở với hơn 25 ha được trồng rải rác tại các thôn trên địa bàn xã.
Người dân trồng dưa ở đây cho biết, dưa bở được gieo trồng xen kẽ từ giữa tháng 1 cho đến tháng 3 (âm lịch). Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 55-60 ngày, mỗi quả cho cân nặng khoảng 0,5-0,8 kg. Thời điểm này, các loại dưa gieo trồng sớm ở Cổ Đạm đang vào thời kỳ ra hoa, đậu quả.
“Sản xuất trên vùng đất cao táo nên tôi xuống giống dưa sớm. Sau gần 2 tháng chăm sóc, 5 sào dưa của tôi đã cho quả khá lớn. Những ngày này, tôi phải tích cực ra đồng, chăm sóc, hy vọng dưa chín đúng vào dịp nghỉ lễ (30/4 – 1/5), bán ra thị trường để mang lại giá trị kinh tế cao” - ông Lê Văn Trợ ở thôn Kỳ Tây, xã Cổ Đạm cho hay.
Qua tìm hiểu được biết, dưa bở là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bởi vậy, diện tích trồng dưa bở ở Cổ Đạm ngày càng tăng. Hằng năm, năng suất dưa bở ở xã Cổ Đạm đạt bình quân 18- 22 tấn/ha, thu lãi gần 150 triệu đồng/ha.
Ông Lê Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết: Dưa bở Cổ Đạm thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên trở thành sản phẩm hàng hóa. Nhìn chung, các đồng dưa đang phát triển tốt, bà con nông dân rất phấn khởi. Ngay từ đầu vụ, địa phương đều phân công cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật. Đặc biệt, hướng dẫn người dân bón phân hữu cơ giai đoạn đầu và cung cấp đủ nước tưới cho cây để dưa bở sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Toàn huyện Nghi Xuân hiện có hơn 130 ha dưa các loại, tập trung tại các xã: Xuân Hồng, Cổ Đạm, Xuân Mỹ, Xuân Thành. Dưa hấu, dưa bở... phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cho năng suất bình quân hằng năm từ 20 - 25 tấn/ha, sản lượng 2.200 tấn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ dưa ở Nghi Xuân hiện chưa có đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm nên giá cả còn khá "bấp bênh", chủ yếu phụ thuộc vào thương lái.