Gắn bó với cây mía hơn 7 năm nay, chị Cảnh vẫn yên tâm sản xuất bởi hiệu quả kinh tế tốt mà loại cây này mang lại.
Những ngày này, gia đình anh Phạm Ngọc Phúc (thôn Hòa Hợp, xã Thạch Kênh) đang tất bật thu hoạch mía ép nước để bán cho thương lái mua về nhập cho các quán nước giải khát. Theo anh Phúc, trồng mía nói chung có lợi thế hơn trồng lúa, trồng rau màu bởi khả năng chịu hạn của cây mía tốt hơn và phù hợp với diện tích đất ruộng bị nhiễm phèn của gia đình.
5 sào mía của gia đình anh Phúc dự kiến thu hoạch lần 1 được 15 tấn. Với giá bán 6.000 đồng/kg, anh Phúc thu về khoảng 90 triệu đồng, lãi khoảng 30 triệu đồng.
5 sào mía được gia đình anh Phạm Ngọc Phúc chăm sóc cẩn thận, thân thẳng, được đánh lá sạch sẽ, chờ thương lái đến thu mua.
Là hộ có diện tích trồng mía lớn nhất xã Thạch Kênh với 30 sào, chị Lê Thị Cảnh (thôn Thượng Nguyên) cho biết: “Vụ mía xuân hè năm nay, gia đình ước đạt thu hoạch được hơn 90 tấn mía, năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào. Với giá bán 6 triệu đồng/tấn thì sau khi trừ chi phí như: phân bón, nhân công…, gia đình thu lãi khoảng 30%”.
Cũng theo chị Cảnh, so với những năm trước, năm nay năng suất mía có giảm, song giá mía cao hơn hẳn các vụ mùa trước nên gia đình vẫn có lãi cao. Nếu như các năm trước, mía bán tại ruộng có giá từ 3.000 – 4.000 đồng/kg thì năm nay giá 6.000/kg.
“Mía của gia đình tôi được chăm sóc tốt nên có thân to, lóng dài, mọng nước, độ ngọt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên khi vào hè, nhiều thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua về bán cho các cơ sở ép nước mía. Ngoài bán cây, gia đình tôi còn tận dụng ngọn mía làm thức ăn cho đàn lợn hơn 100 con, giúp tôi giảm một phần chi phí thức ăn chăn nuôi”, chị Cảnh cho biết thêm.
Tại xã Thạch Kênh, cây mía phát huy được khả năng kinh tế bởi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp hơn so với cây trồng khác.
Theo các thương lái đến thu mua mía ở xã Thạch Kênh, mía ở đây có độ ngọt thích hợp, cây mía thẳng, dài nên được các quán giải khát ưa chuộng. Đồng thời, khi thu mua mía tại xã Thạch Kênh, thương lái có thể giảm nhiều chi phí vận chuyển hơn so với việc nhập mía từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa...
Cây mía phát triển phù hợp thổ nhưỡng ở Thạch Kênh nên thân to, lóng dài, mọng nước.
Hiện nay, mô hình trồng mía ép nước được 5 hộ dân tại xã Thạch Kênh triển khai với tổng diện tích hơn 4 ha, chủ yếu ở 2 thôn Thượng Nguyên và Hòa Hợp. Hầu hết diện tích mía được chuyển đổi từ đất trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang trồng mía, cho lãi cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.
Được biết, năm 2021, xã Thạch Kênh thu hoạch được khoảng 350 tấn mía, năm nay năng suất giảm, ước tính cả 2 vụ mía chỉ thu được khoảng 300 tấn. Theo người dân, sở dĩ năng suất mía giảm là vì cây bị sâu đục thân phá hoại, thời tiết thất thường.
Lứa mía thứ 2 trong năm chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình chị Cảnh.
Ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kênh cho biết: “Với khả năng thu lãi cao từ cây mía, hiện địa phương đang tích cực vận động nhiều hộ dân khác tham gia chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng mía, phấn đấu mở rộng diện tích trồng lên khoảng 10 ha. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tìm hướng đi mới cho việc phát triển sản phẩm mật mía truyền thống của địa phương thay vì chỉ bán mía làm nước ép, giúp bà con lưu giữ nghề truyền thống với thương hiệu “mật mía Thạch Kênh”.