Giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh khó tái đàn

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn Hà Tĩnh đến thời điểm này cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, giá lợn giống tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tái đàn, khôi phục sản xuất.

Giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh khó tái đàn

Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cơ bản được không chế

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho thấy, DTLCP trên địa bàn tỉnh hiện tại cơ bản đã được khống chế. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 65 con lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy thuộc 6 địa phương: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đến nay 5 địa phương có DTLCP đã qua 30 ngày. Chỉ riêng TP Hà Tĩnh mới qua 15 ngày (tại xã Thạch Bình).

Sau cơn “bão” dịch, thời điểm này, nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang muốn khôi phục sản xuất nhưng giá lợn giống đang ở mức cao khiến người chăn nuôi chưa dám đầu tư tái đàn.

Giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh khó tái đàn

Giá lợn giống tăng cao, mỗi con từ 2 - 2,3 triệu đồng

Chị Nguyễn Thị Lý – chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Đông Thạc, xã Kim Song Trường (Can Lộc) cho biết: DTLCP đã “cướp” mất 300 con lợn của gia đình, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Khi thấy dịch bệnh tương đối ổn định, chị rất muốn đầu tư mua con giống về nuôi. Thế nhưng, giống lợn hiện tại khan hiếm, giá đang ở mức cao.

Mỗi con lợn giống chất lượng từ các cơ sở lợn nái trên địa bàn có giá từ 2 – 2,3 triệu đồng (trước đây từ 1 – 1,2 triệu đồng). Để mua đủ 300 con theo quy mô chuồng trại thì chị phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền giống. Trong khi đó, chăn nuôi vẫn còn nhiều rủi ro, khó lường nên chị đang thận trọng.

“Hiện, tôi mới mua 14 con lợn giống về nuôi tại các chuồng trước đây bị dịch bệnh để theo dõi, đồng thời hi vọng giá lợn giống giảm xuống để tiếp tục đầu tư nuôi thêm” – chị Lý chia sẻ.

Giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh khó tái đàn

Chị Nguyễn Thị Lý - chủ trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 300 con ở xã Kim Song Trường (Can Lộc) chỉ mới dám đầu tư 14 con lợn giống về nuôi

Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Can Lộc cho rằng: Nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện như ở các xã Phú Lộc, Nga Lộc, Kim song Trường, Khánh Vĩnh Yên... đều đủ điều kiện, đảm bảo chăn nuôi theo quy trình sinh học rất muốn tái đàn. Tuy nhiên, hơn tháng nay, con giống khá đắt đỏ.

"Nguyên nhân là do năm 2019, trên địa bàn huyện có hơn 2.000 con lợn nái bị chết, buộc phải tiêu hủy bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi khiến nguồn giống hiện tại khan hiếm, “cung không đủ cầu”.

Giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh khó tái đàn

Chuồng trại được người dân chăn nuôi vệ sinh sạch sẽ để tái đàn sau “bão” dịch

Từ ngày 26/12/2019 cho đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Hà không xuất hiện thêm ổ DTLCP. Một số cơ sở chăn nuôi lợn đã xử lý tốt môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh tại các địa phương Thạch Hội, Thạch Thắng, Thạch Văn... nhưng các hộ chăn nuôi ở đây cũng đang dè dặt tái đàn.

Ông Nguyễn Thanh Long – Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho hay: Chăn nuôi lợn được xem là nghề truyền thống của địa phương, sinh kế của người dân. Nhiều tháng nay, trên địa bàn không xuất hiện thêm ổ dịch mới nhưng hiện chỉ có vài chục hộ chăn nuôi rục rịch tái đàn do giá lợn giống đang ở mức cao. Nếu đầu tư đàn lợn quy mô từ 20-70 con thì cần số vốn tương đối lớn nên các hộ phải tính toán, cân nhắc sao cho hợp lý...

Giá lợn giống tăng cao, người chăn nuôi Hà Tĩnh khó tái đàn

Việc tái đàn cần thiết nhưng các chủ cơ sở phải đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học

Theo ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cơ bản được khống chế, người chăn nuôi ngày càng quan tâm đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó khăn do nhiều hộ dân đầu tư chuồng trại chưa đảm bảo an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi cũng đang ở mức cao (xấp xỉ 80 nghìn đồng/kg) kéo theo giá lợn giống tăng theo khoảng hơn 30% so với năm trước. Thực tế, lợn giống tại các cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang được duy trì, khan hiếm chủ yếu lợn giống tại các trang trại, gia trại nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ.

Việc tái đàn là hết sức cần thiết nhưng các địa phương cần khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ không đủ điều kiện chưa nóng vội tái đàn bởi nguy cơ xẩy ra dịch bệnh rất cao. Mặt khác, khi mua con giống giá cao, nếu lứa lợn này xuất chuồng mà giá lợn hơi bị đẩy xuống thấp, người dân tiếp tục thiệt hại.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast