Ở huyện Can Lộc, đàn bò trên địa bàn đã cơ bản được lai hóa, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần cho người dân.
3 năm qua, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình ông Nguyễn Đình Văn (Tùng Lộc, Can Lộc) đã thường xuyên sử dụng tinh bò 3B để thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò nái của gia đình. Dưới sự hướng dẫn và chăm sóc bài bản, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, thích nghi rất tốt với điều kiện thời tiết, đạt năng suất cao hơn khoảng 20 - 25% so với bò địa phương.
Ông Văn cho biết: “Trước đây, giống bê sinh ra từ con bò cỏ chỉ bán được 7 - 8 triệu đồng/con thì nay bê lai bán được 14 - 15 triệu đồng/con. Trung bình gia đình thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm từ việc bán bê lai, vì thế, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Bê con được sinh ra có tầm vóc lớn, thích nghi rất tốt với điều kiện thời tiết, đạt năng suất cao hơn khoảng 20 - 25% so với bò địa phương.
Được biết, thời gian qua, huyện Can Lộc đã quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Nhờ đó, người dân khắc phục triệt để được tình trạng thiếu bò đực giống và đực giống tốt, suy thoái đàn bò đang diễn ra do cận huyết; góp phần tăng tầm vóc thể trạng và sức sản xuất của đàn bò thịt.
Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Phan Xuân Phượng, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lai tạo đàn bò đã mang lại những chuyển biến tích cực trong chăn nuôi. Hiện, đàn bò trên địa bàn đã cơ bản được lai hóa (đạt trên 90% tổng đàn) đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần cho người dân.
Lộc Hà cũng là một trong những địa phương trong toàn tỉnh thực hiện tốt công tác lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò. Nhiều chính sách ưu tiên như: tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ 100% kinh phí mua tinh và vật tư phối giống nhân tạo; hỗ trợ tiền công nuôi từ 225 - 270 ngàn đồng/con/tháng; hỗ trợ kinh phí mua máy băm cỏ, công làm đất và phân bón… đã tạo “lực” cho người dân trong sản xuất.
Nhiều hộ dân tại các xã Bình An, Tân Lộc, Hồng Lộc (Lộc Hà)... đã tập trung thực hiện lai tạo đàn bò, mang về nguồn thu lớn cho gia đình.
Sau khi được hướng dẫn, ông Nguyễn Duy Cảnh (xã Bình An, Lộc Hà) đã tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái của gia đình để sinh sản bê con có tầm vóc, chất lượng cao hơn. Ông Cảnh cho biết: “Bê lai có trọng lượng sơ sinh 16 -18 kg/con, giá bán từ 10 - 15 triệu đồng/con, vượt trội so với bò vàng địa phương, bò lai trưởng thành đạt 230 - 350 kg/con. Chăn nuôi bò tận dụng thời gian nhàn rỗi, đem lại nguồn thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm cho gia đình”.
Không riêng gia đình ông Cảnh, nhiều hộ tại xã Bình An đã thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn bò và đã bố trí diện tích để trồng cỏ, ngô, đầu tư thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đậu Ngọc Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Thời gian qua, tỷ lệ đàn bò lai tại xã đã không ngừng tăng lên và tầm vóc của đàn bò nái nền được cải thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt có tầm vóc lớn, chất lượng thịt tốt hơn trong tương lai”.
Đến nay, tỷ lệ đàn bò lai Zêbu đã chiếm hơn 61% tổng đàn toàn tỉnh.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách cải tạo, từ một tỉnh có đàn bò chủ yếu là bò vàng Việt Nam, trọng lượng nhỏ, sức sản xuất kém thì đến nay, tỷ lệ đàn bò lai Zêbu đã chiếm hơn 61% tổng đàn toàn tỉnh. Riêng từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh tạo ra gần 14.600 con bê lai, cân nặng vượt trội so với bò vàng địa phương, dễ nuôi, thích nghi với điều kiện tự nhiên và phương thức chăn nuôi bán chăn thả của địa phương.
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã sử dụng tinh bò 3B phối giống cho các bò nái lai Zêbu, từ đó, tạo ra đàn bê lai F1 (3B x lai Zêbu) có trọng lượng sơ sinh đạt 25 - 32 kg/con. Bò lai dòng này được đánh giá là dễ nuôi, khả năng sử dụng thức ăn tốt, sức đề kháng cao, tỷ lệ bệnh tật thấp, giá bán ra thị trường cao hơn nhiều so với các loại bò khác.
Cải tạo đàn bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc, thể trạng của đàn bò tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng phòng Chuyển giao KHKT (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) cho biết: “Qua kết quả thực tế, cải tạo đàn bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc, thể trạng của đàn bò, nâng cao năng suất. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục hướng dẫn, tập huấn để các địa phương sử dụng các loại tinh bò có giá trị kinh tế cao như tinh bò 3B, tinh bò Red Angus phối giống cho đàn bò địa phương; tuyển chọn nhưng con bê cái lai F1 (Red Angus x lai Zêbu) để phát triển đàn bò nái có tầm vóc lớn hơn và sinh sản tốt”.