Khoai lang đỏ Xuân Hồng rớt giá, khó bán!

(Baohatinh.vn) - Khác với những năm trước, năm nay người dân trồng khoai lang đỏ ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) thất thu khi giá bán giảm mạnh, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Khoai lang đỏ Xuân Hồng rớt giá, khó bán!

Khoai lang đỏ rớt giá, người trồng thất thu

Thời điểm này, xã Xuân Hồng đang vào kỳ thu hoạch khoai lang đỏ. Nhưng, trên gương mặt của người nông dân “một nắng, hai sương” hắt hiu nỗi buồn bởi "khoai lang rớt giá".

Anh Cao Đình Toán – người có diện tích trồng khoai lớn nhất ở đây cho biết: "Vụ này, tôi trồng 4 ha tại vùng đất cát ven sông Lam. Sau 4 tháng cày cuốc, chăm sóc, khoai đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá bán ra quá rẻ. Năm trước, khoai lang đỏ được bán với giá 900 nghìn/tạ thì giờ chỉ bán được hơn 500 nghìn/tạ. Hiện, tôi chỉ mới thu hoạch được gần 2/3 diện tích, với sản lượng đạt gần 30 tấn.

Khoai lang đỏ Xuân Hồng rớt giá, khó bán!

Giá khoai lang đỏ hiện chỉ bán được 600 nghìn đồng/tạ

“Sản lượng khoai năm nay ước đạt hơn 40 tấn. Với giá khoai năm trước, tôi thu hơn 350 triệu đồng. Nhưng năm này thì may ra thu về được khoảng 200 triệu đồng. Do tôi đầu tư máy móc, ô tô... để phục vụ sản xuất nên chi phí tăng cao. Tính ra vụ khoai lang này tôi thất thu...” - anh Toán chia sẻ.

Vụ mùa năm nay càng thất bát hơn vì khoai lang đỏ không chỉ rớt giá mà còn rất khó bán. Bởi vậy, người trồng khoai ở đây cũng đang thu hoạch cầm chừng. Chỉ khi nào tìm được “mối” tiêu thụ thì mới tập trung thu hoạch. Anh Phan Văn Đường (thôn 7, xã Xuân Hồng) cho hay: "Trái ngược với vụ khoai lang năm trước thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó, năm nay tiêu thụ “ì ạch” do người mua ít".

Khoai lang đỏ Xuân Hồng rớt giá, khó bán!

Đầu ra khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch khoai

Được biết, nguyên nhân khoai lang đỏ ở Xuân Hồng “ế” là do khoai từ các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc tiêu thụ khá nhiều nên rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, thời tiết vụ trồng năm nay khắc nghiệt dẫn đến khoai có chất lượng kém. Số lượng khoai bị nứt nẻ, hư hỏng chiếm tỷ lệ khá cao.

Trồng khoai lang đỏ trên đất cát hoang hóa ở Xuân Hồng được xem là bước chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng. Trước đây, HTX Hồng Phúc có 18 ha đất để trồng dưa hấu nhưng không mang lại hiệu quả nên bỏ hoang nhiều năm. Sau này, nhiều hộ dân ở thôn 7, xã Xuân Hồng đứng ra nhận thuê lại diện tích trên để trồng khoai lang đỏ giống truyền thống. Những năm trước, trồng khoai mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây. Mỗi ha khoai bình quân thu về gần 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Khoai lang đỏ Xuân Hồng rớt giá, khó bán!

Người dân cần sản xuất theo chuỗi liên kết để mang lại hiệu quả, bền vững hơn

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng Nguyễn Phi Phượng cho rằng: "Trước tình trạng rớt giá, khó tiêu thụ như vụ khoai năm nay cho thấy, sản xuất nông nghiệp nói chung và khoai lang đỏ nói riêng vẫn còn nhiều “bấp bênh”.

Bởi vậy, các hộ dân trồng khoai ở Xuân Hồng nên tính toán để có hướng đi phù hợp hơn. Trước hết, từng bước xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các tiến bộ KHKT nhằm giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, cần thành lập hợp tác xã để sản xuất theo chuỗn liên kết với doanh nghiệp, nhằm mang lại hiệu quả bền vững hơn...".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast