Nông dân Hà Tĩnh đau đầu xử lý nạn chuột cắn phá lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Vào thời điểm này, cây lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và làm đòng. Tuy nhiên, tình trạng chuột sinh sản nhanh và cắn phá nhiều diện tích đang khiến bà con nông dân tìm đủ cách xử lý.

Nông dân Hà Tĩnh đau đầu xử lý nạn chuột cắn phá lúa xuân

Chuột cắn phá lúa xuân từ giữa ruộng gây khó khăn cho việc tiêu diệt.

Cứ sáng sớm và chiều tối, anh Trần Xuân Mậu (thôn Hồng Dinh, xã Thạch Trị, Thạch Hà) lại mang theo đủ các loại đồ nghề như bẫy mặt trăng, xẻng, thuốc sinh học để ra đồng diệt chuột. Tuy ngày nào cũng lặp đi lặp lại các biện pháp trên nhưng nạn chuột phá hoại lúa xuân vẫn không giảm là bao.

Anh Mậu chia sẻ: “Chuột là loài tinh ranh, chúng đánh hơi rất giỏi nên mọi giải pháp đều không cho hiệu quả cao. Trong thời điểm lúa đang làm đòng, chuột cắn phá sẽ khó có khả năng phục hồi nên tôi phải ra đồng thường xuyên. Thời điểm này, lúa non, ngọt nên chuột không mắc bẫy mà liên tục cắn phá vào giữa ruộng, khiến cho việc tìm diệt càng khó khăn”.

Nông dân Hà Tĩnh đau đầu xử lý nạn chuột cắn phá lúa xuân

Người dân chủ động sử dụng các biện pháp như bỏ bẫy, đào hang, thuốc sinh học... để hạn chế chuột phá hoại.

Vụ này gia đình anh Phan Văn Mạnh (thôn Yên Bình, xã Quang Lộc, Can Lộc) làm 3 mẫu ruộng, chủ yếu gieo sạ các giống Nếp, VNR20, Bắc Thịnh…. Đến nay, một số diện tích lúa đang vào giai đoạn bắt đầu làm đòng thì lại bị chuột cắn phá. Anh Mạnh thông tin: “Năm nay, chuột cắn phá nhiều vì 2 năm qua ít mưa lũ lớn nên các hang, ổ không bị ngập, chuột sinh sôi với số lượng lớn. Chúng thường xuyên trú ngụ ở hang sâu, góc kênh tưới, trên mái ta – luy của các tuyến đường được cứng hóa rồi chờ thời điểm thích hợp ra cắn phá lúa. Tôi đã dùng đủ biện pháp như bẫy sập, bã thuốc sinh học, căng ni lông quanh ruộng… nhưng vẫn không mấy hiệu quả ”.

Tại Nam Phúc Thăng – xã có diện tích lúa lớn nhất huyện Cẩm Xuyên, nạn chuột hoành hành cũng đang khiến bà con phải đau đầu. Được biết, xã đã hỗ trợ người dân mua gần 5 tấn chế phẩm sinh học về để diệt chuột.

Nông dân Hà Tĩnh đau đầu xử lý nạn chuột cắn phá lúa xuân

Một cái bẫy mặt trăng được sử dụng trên cánh đồng của xã Quang Lộc (Can Lộc).

Ông Nguyễn Hồng Tự - Trưởng thôn Đông Cao (xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Tuy đã chuẩn bị diệt chuột từ khi bước vào vụ mới nhưng khi lúa bắt đầu làm đòng thì chuột phá nhiều hơn. Toàn xã có gần 10 ha lúa bị cắn phá với tỉ lệ từ 10 - 15%. Bà con phải bỏ bã ở chân ruộng, tìm hang đào bắt, diệt ổ của chúng ở các bờ vùng, cồn cao, dọc các mái ta – luy bên các trục đường lớn gần ruộng; mang đủ loại bao bì, dây thừng, hình nộm giăng mắc khắp ruộng để “hù dọa” chuột”.

Theo kỹ sư Trần Thị Trang - Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, toàn huyện có trên 60 ha lúa bị chuột cắn phá từ 5% trở lên. Trung tâm đã hướng dẫn bà con chủ động trong kiểm soát nạn chuột như đặt bẫy, bắt thủ công, giữ ổn định mực nước để chuột sợ không dám vào sâu trong ruộng cắn phá…

Nông dân Hà Tĩnh đau đầu xử lý nạn chuột cắn phá lúa xuân

Người dân Cẩm Xuyên tiến hành đào hang phá chỗ trú ngụ.

Hiện nay, chuột gây hại trên lúa gieo thẳng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, đặc biệt ở các vùng gần gò đồi, gần làng, vùng cao cưỡng, cạn nước với tỉ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%, cục bộ 15 - 20%, với diện tích 286 ha, trong đó 2 ha nhiễm nặng.

Theo ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, chuột gặm nhấm để mài răng nên phá hại ở hầu hết các giai đoạn của cây lúa. Đặc biệt, hiện nay, các trà lúa xuân đang bước vào giai đoạn làm đòng, cây lúa non, có vị ngọt cũng là lúc chuột bùng phát, phá mạnh, có thể gây thiệt hại lớn về mùa màng trên địa bàn toàn tỉnh.

Nông dân Hà Tĩnh đau đầu xử lý nạn chuột cắn phá lúa xuân

Các loại ni lông giăng khắp các cánh đồng để “hù dọa” chuột.

Để diệt chuột hiệu quả, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, thực hiện đồng loạt các biện pháp diệt chuột trên diện rộng. Có thể sử dụng các loại bẫy chuột cơ học như bẫy mặt trăng, bẫy kẹp để bẫy chuột; căng hàng rào ni lông xung quanh đồng ruộng, đào hang bắt chuột, đổ nước, xông khói, vôi, ớt... vào hang chuột. Khi dùng bả diệt chuột hóa học, nông dân lưu ý phải đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và môi trường trong quá trình đánh bả.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast