Lúa xuân tại các địa phương trên toàn tỉnh đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, thời điểm này, lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ. Từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết Hà Tĩnh đang trong tiết Kinh trập (5/3 - 20/3), khá âm u, ánh sáng yếu, sương mù dày đặc vào sáng sớm, xuất hiện các đợt không khí lạnh đan xen đã khiến cho các bào tử nấm gây bệnh đạo ôn lá phát sinh, bắt đầu gây hại trên một số diện tích lúa xuân.
Qua điều tra trên đồng ruộng ở các địa phương, tỷ lệ gây hại của bệnh đạo ôn đang ở mức từ 1 - 7%, cục bộ có nơi từ 15 - 20%, với tổng diện tích bị nhiễm là khoảng gần 4 ha, tập trung ở một số địa phương như: Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân... Các giống nhiễm chủ yếu là: XT28, Xi23, VNR20, Nếp 97, IR1820,P6, Bắc Thịnh…
Tỷ lệ gây hại của bệnh đạo ôn trên đồng ruộng ở mức từ 1 - 7%, cục bộ có nơi từ 15 - 20%, với tổng diện tích bị nhiễm là khoảng gần 4 ha.
Vụ này, bà Trần Thị Thương (thôn Thịnh Cường, xã Tân Dân, Đức Thọ) sản xuất hơn 8 sào ruộng. Khi phát hiện vết bệnh đạo ôn trên một số chân ruộng, chủ yếu là giống P6, bà đã tiến hành xuống đồng phun phòng trừ, dù vậy, đến nay, các vết bệnh mới vẫn đang có dấu hiệu lan ra. Bà Thương cho hay: “Tất cả các vùng dễ bị nhiễm tôi đã phun phòng nhưng vì sáng sớm và ban đêm có sương mù dày đặc, trong ngày nắng yếu nên hiệu lực của thuốc giảm sút. Nếu diễn tiến của bệnh nặng hơn chắc tôi phải phun lại lần 2 và tranh thủ vào đầu giờ chiều để mặt lá khô hẳn, tăng tác dụng của thuốc”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân, ngay sau khi phát hiện số diện tích nhiễm bệnh, xã đã theo dõi, chỉ đạo, đốc thúc bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ, khống chế lây lan dịch bệnh. Toàn xã đã phun phòng trên diện tích khoảng 90 ha, nhất là đối với 2 giống có mức độ nhiễm cao là P6 và VNR20, ngăn lây lan rộng ở giai đoạn lúa đẻ nhánh; chuẩn bị tổ chức tập huấn cho bà con nông dân để hiểu hơn về các phương án xử lý.
Các giống nhiễm chủ yếu hiện nay là: XT28, Xi23, VNR20, Nếp 97, IR1820,P6, Bắc Thịnh…
Tại huyện Nghi Xuân, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên giống lúa NX30 tại xã Đan Trường; giống IR1820 tại xã Xuân Giang. Tuy diện tích nhiễm bệnh chưa lớn nhưng các địa phương đang tiến hành theo dõi sát để có án phun phòng, khoanh vùng kịp thời.
Ông Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: “Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện phối hợp với các xã, thị trấn bám sát đồng ruộng nhằm tiến hành khoanh vùng, cắm vè, hướng dẫn bà con xử lý dứt điểm những diện tích đã bị nhiễm bệnh; thành lập các tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ các thôn, tổ dân phố, bà con nông dân tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, hiệu quả”.
Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh kiểm tra tình hình phát sinh dịch đạo ôn lá tại các địa phương.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Diễn tiến bệnh đạo ôn ở thời điểm này vẫn đang ở diện hẹp, tuy nhiên các địa phương và bà con không nên chủ quan vì đây có thể là những mầm bệnh gây nguy cơ lan rộng dịch bệnh đạo ôn cổ bông trong giai đoạn tới. Đồng thời với đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến đầu tháng 4, Hà Tĩnh có khoảng 3 - 4 đợt không khí lạnh với cường độ nhẹ gây mưa rải rác, độ ẩm cao, nhiệt độ trung bình duy trì ở mức 21 - 23 độ C.
Đây chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, xâm nhiễm và gây hại. Đặc biệt là trên các giống như: P6, ADI 168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, Thiên Ưu 8… Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, UBND các huyện, thành phố, thị xã phân công cán bộ thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát các giống, vùng nhiễm bệnh đạo ôn, khoanh vùng và tổ chức phòng trừ”.
Đối với việc phun phòng trừ bệnh đạo ôn, Sở NN&PTNT khuyến cáo sử dụng một trong số các loại thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Fukasu 42WP, Filia 525 SE, Angate 75WP, Flash 75WP, Kabim 30WP, Grandgold 510WP, NewTec 300SC, Tricom 75WP...; duy trì đủ nước trong ruộng; ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm đối với diện tích đã nhiễm hoặc nguy cơ nhiễm. Với những diện tích nhiễm nặng, cần tiến hành ngắt bỏ những lá bị bệnh không còn khả năng phục hồi đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh trước khi xử lý thuốc hóa học. |