Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ xuống đồng chăm sóc lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Mùng 5 tết, thời tiết Hà Tĩnh vẫn còn có rét. Dù vậy, khắp nơi, bà con nông dân đã xuống đồng tỉa dặm, lấy nước chăm sóc lúa xuân.

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Lúa xuân đã phủ màu xanh non khắp các cánh đồng ở Hà Tĩnh.

Bà Nguyễn Thị Hải - thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài (Thạch Hà) đã hoàn thành gieo cấy từ ngày 15 tháng Chạp, đến nay lúa đã phát triển được 5 lá. Điều khiến bà phấn khởi là dù thời tiết mưa rét nhưng lúa vẫn lên đều, không bị chết rét.

“Tôi bắt đầu ra đồng “thăm lúa” từ ngày mùng 4 tết, vừa kiểm tra mực nước trong ruộng, vừa xem mức độ sinh trưởng của lúa để chuẩn bị xuống đồng tỉa dặm. Năm nay, thời vụ xuống giống gặp thời tiết tốt, đủ nước nên lúa phát triển đều và đẹp, chắc khoảng trong 1 tuần chúng tôi sẽ tỉa dặm xong toàn bộ 8 sào ruộng nhà” - bà Hải cho biết.

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Bà Nguyễn Thị Hải, thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài bắt đầu công việc đồng áng của mình bằng việc tỉa dặm cho lúa

Ở các xã vùng biển ngang Thạch Văn, Thạch Lạc, Tượng Sơn (Thạch Hà), do thời vụ xuống giống sớm hơn nên nhiều cánh đồng, lúa đã mướt xanh. Trong những ngày tết, cứ hễ “ráo trời”, bà con nông dân đã tranh thủ xuống đồng tỉa dặm cho lúa.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, xã Thạch Thắng cho biết: “Đã khá lâu rồi người dân mới đón một cái tết rét như năm nay. Nhưng chính ra tiết trời này lại rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của lúa. Lúa đạt độ 5 - 7 lá là có thể tiến hành tỉa dặm để kịp thời bón thúc đợt 1, giúp lúa”bén“nhanh và bước vào kỳ đẻ nhánh”.

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Mặc dù những ngày qua mưa rét nhưng lúa vẫn phát triển tốt, bộ lá xanh, rễ trắng và khỏe.

So với những địa phương ven biển như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh thì các vùng ngoài (Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh) và vùng trên (Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ) ít chịu ảnh hưởng của những đợt mưa trong dịp tết. Thời tiết dù rét mướt nhưng ít mưa, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ra đồng đầu năm.

Ông Đinh Văn Nga, thôn 3, xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) ra đồng từ ngày mùng 4 tết. Canh tác ở vùng khó, đồng ruộng thường xuyên bị thiếu nước, mấy ngày tết thời tiết hanh khô lại càng khiến cho nước rút nhanh đã ảnh hưởng ít nhiều một số lúa vừa gieo. “Nhà tôi làm 6 sào, đã hoàn thành gieo từ ngày 20 tháng Chạp. Do mấy ngày trước tết thời tiết nắng, hanh khô nên nước rút nhanh, bị chết khoảng 1,5 sào lúa. Từ hôm qua (mùng 4 tết), tôi đã bắt đầu xuống đồng để cấy dặm lại. Cũng may, chúng tôi chủ động gieo cấy dày nên bây giờ đủ lúa non để cấy dặm” - ông Nga cho hay.

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Ông Đinh Văn Nga, thôn 3, xã Xuân Lĩnh đã kịp cấy dặm được gần 1 sào trong 2 ngày đầu tiên xuống đồng.

Đối với nhiều bà con nông dân, ra đồng đầu năm không chỉ bắt đầu công việc đồng áng bận rộn mà còn là ngày “lấy may” trong năm mới, cầu cho mọi việc hanh thông, thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Những ngày như thế, dù tiết xuân vẫn còn vui tươi thì bà con nông dân đều gác lại việc thăm hỏi, chúc tụng để ra đồng. Người đi “thăm lúa”, người mở chăn thả trâu, bò để đàn vật nuôi đi tìm thức ăn tươi.

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Ông Võ Văn Thắng, cùng ở thôn 3, xã Xuân Lĩnh cho trâu ra đồng để “lấy may”.

Ông Võ Văn Thắng, cùng ở thôn 3, xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) chia sẻ: “Nhà tôi làm 8 sào lúa và nuôi 1 con trâu kéo. Từ mùng 2 tết, tôi bắt đầu “thăm lúa” và hôm nay cho trâu ra đồng. Từ xa xưa ông cha đã quan niệm, con trâu là đầu cơ nghiệp, cũng là bạn của bà con nông dân nên việc đưa trâu ra đồng đầu năm mới vừa để vật nuôi tìm được nguồn thức ăn tươi sau nhiều ngày nghỉ, vừa là cầu cho mọi việc hanh thông, thuận lợi trong sản xuất”.

Sáng nay, thời tiết Hà Tĩnh đã giảm mưa và dự báo sẽ tốt hơn từ ngày mai (mùng 6 tết). Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân các địa phương tập trung chăm sóc, tỉa dặm cho lúa xuân và cũng là bắt đầu một năm lao động mới của bà con nông dân nhiều niềm vui và kỳ vọng tốt đẹp.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast