Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

(Baohatinh.vn) - 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chuyển từ nền sản xuất nhỏ sang nền kinh tế hàng hóa hội nhập, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo thế cạnh tranh cho nông sản “made in Hà Tĩnh”.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

30 năm, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã tạo được những bước đột phá quan trọng, thể hiện vai trò trụ đỡ nền kinh tế.

Hoàn thành sứ mệnh an ninh lương thực

Hà Tĩnh - vùng đất khắc nghiệt hằng năm phải gánh chịu biết bao thiên tai, bão lũ. Có lẽ bởi thế mà người nông dân nơi đây luôn kiên cường và rắn rỏi, dù trong hoàn cảnh nào cũng ra sức lao động sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm tròn vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Ngay sau khi tái lập tỉnh, điều kiện kinh tế Hà Tĩnh vô cùng khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém. Sản xuất nông nghiệp khi đó chủ yếu tự cung, tự cấp; hàng hóa nông, lâm, ngư nhỏ lẻ.

Tháng 1/1992, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đặt ra các phương hướng, mục tiêu vực dậy KT-XH. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện, phấn đấu đạt 30 - 33 vạn tấn lương thực vào năm 1995.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

Dù ở thời kỳ nào thì sản xuất lúa gạo vẫn giữ sứ mệnh lớn, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế nông nghiệp.

Nông nghiệp lúc bấy giờ “gánh trên vai” sứ mệnh lớn, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ nhằm tăng năng suất, sản lượng, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết chắc chắn vấn đề lương thực - thực phẩm trên toàn tỉnh. Ông Đào Nghĩa Nhuận - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đầu tiên của Hà Tĩnh sau tái lập tỉnh nhớ lại: “BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về tập trung sản xuất nông nghiệp, coi trọng sản xuất lương thực, thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ... Sự quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn ngành và bà con nông dân khai thác tiềm năng để tạo ra những bước ngoặt mới. Đặc biệt, cùng với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, Hà Tĩnh thành công trong việc đưa vụ hè thu trở thành vụ sản xuất chính trong năm (ngoài vụ sản xuất đông - xuân bấy lâu)”.

Nhờ đó, đến năm 1995, sản lượng lương thực đạt 33,4 vạn tấn, tăng 14,1 vạn tấn so với năm 1991; bình quân lương thực đầu người tăng từ 160 kg/năm vào năm 1991 lên 264 kg/năm vào năm 1995. Hà Tĩnh bắt đầu hình thành một số vùng cây ăn quả như: cam, bưởi, vùng nguyên liệu cho cây công nghiệp (chè, dâu tằm, mía)… Trong chăn nuôi, các chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, chăn nuôi gà công nghiệp, vịt siêu trứng… cũng đã cải thiện cả tổng đàn lẫn sản lượng hàng hóa. Đàn lợn đạt 30 vạn con, đàn bò đạt gần 13 vạn con.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

Từ chỗ chỉ có 1 vụ lúa chính đông - xuân, Hà Tĩnh đã thành công đưa vụ hè thu trở thành vụ sản xuất chính ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh.

Hoàn thành sứ mệnh giải quyết vấn đề lương thực - thực phẩm, nông nghiệp Hà Tĩnh những năm đầu tái lập tỉnh còn đóng vai trò xây nên nền móng vững chắc để “tiếp lực” cho những giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Sau 30 năm (1991-2021), tăng trưởng bình quân của sản xuất nông nghiệp đạt xấp xỉ 4,34%/năm, sản lượng lương thực tăng từ 19,3 vạn tấn (1991) lên hơn 54 vạn tấn (năm 2020). Không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, nông nghiệp còn góp phần ổn định tình hình KT-XH và giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh”.

Gia nhập thị trường nông sản lớn

Dấu mốc này phải tính từ thời điểm toàn tỉnh bước vào thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (năm 2008) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2009).

Từ chủ trương lớn của Trung ương, Hà Tĩnh thực hiện cuộc tổng lực chưa từng có về hệ thống cơ chế chính sách, nguồn lực và sự tập trung cao của toàn bộ hệ thống chính trị vào nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

Đầu tư cánh đồng lớn, những mô hình “phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn” đang mở đường cho cuộc cách mạng tích tụ ruộng đất.

Từ đây, nền nông nghiệp từng bước được thay đổi căn bản, phát triển từ nền sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng cạnh tranh thấp sang nền sản xuất hàng hóa, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế, quy mô lớn gắn với nhu cầu thị trường.

Trong hành trình 10 năm (2011-2021) tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh liên tục chinh phục những “nấc thang” mới. Toàn tỉnh có 2.262 ha sản xuất theo hướng “phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn”, bắt đầu hình thành hình thức sản xuất theo tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa theo hướng VietGAP, lúa hữu cơ, dòng lúa đặc sản (lúa trên ruộng rươi)… Nền sản xuất cũng xuất hiện những tư duy đột phá, đầu tư vào nông nghiệp không còn chỉ mang mục tiêu an ninh lương thực mà là giá trị hàng hóa ở những thị trường rộng lớn.

Anh Trần Hậu Nhân - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) - chủ mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên của tỉnh cho biết: “Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM, đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020 đã giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất. Sau 3 vụ sản xuất (kể từ vụ hè thu 2020), diện tích mở rộng từ 28 ha lên hơn 53 ha, ruộng đồng được cải tạo bằng phẳng, liền thửa với những cánh đồng lớn từ 1.000 - 2.000 m2/thửa. Năng suất 6 tấn/ha, tạo ra sản lượng hàng hóa ổn định và từng bước thay đổi tư duy của bà con nông dân”.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

KC Hà Tĩnh là doanh nghiệp tiên phong thực hiện chuỗi liên kết khép kín sản xuất - tiêu thụ - chế biến lúa gạo ở Hà Tĩnh.

Sản xuất lúa gạo tăng vượt bậc cả về năng suất, chất lượng và giá trị/đơn vị diện tích, đạt 90 triệu đồng/ha (năm 2020), tăng 9 lần so với năm 2000. Ngoài các sản phẩm chè, thủy sản, Hà Tĩnh có thêm gạo được vào danh mục sản phẩm xuất khẩu và hình thành doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo ngay trên chính mảnh đất nhiều khó khăn này.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh cho biết: “Dù trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng năm 2020, công ty vẫn hoàn thành xuất khẩu gần 20.000 tấn gạo sang thị trường các nước Trung Quốc, Lào. Bền bỉ với mục tiêu xuất khẩu và chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, chúng tôi đã mở rộng các vùng nguyên liệu vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ, sản xuất lúa VietGAP của địa phương để tăng sản lượng, chất lượng và thương hiệu gạo Hà Tĩnh; đồng thời đầu tư dây chuyền chế biến sâu các sản phẩm: tinh bột gạo, cơm cháy, bột sữa gạo, cốm gạo… để gia tăng giá trị sản phẩm”.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

Công ty đang sở hữu chuỗi chế biến gạo xuất khẩu hiện đại với công suất 20.000 - 25.000 tấn/năm.

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Hà Tĩnh đã thành công trong việc khai thác tiềm năng đất vườn đồi, phát triển các loại cây ăn quả với 10.800 ha cam, bưởi, sản lượng đạt 73.000 tấn. Quan trọng hơn, Hà Tĩnh đã đưa vị thế cam, bưởi từ cây xóa đói giảm nghèo sang cây làm giàu với thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Những thương hiệu: cam Khe Mây, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch… đã có mặt ở các siêu thị, chuỗi cửa hàng hoa quả sạch và đang tiên phong bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp (53%), đặc biệt là chăn nuôi lợn. Nhờ hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi quy mô lớn, phát triển đàn lợn nái, ngành chăn nuôi Hà Tĩnh vẫn vững vàng giữa đại dịch tả lợn châu Phi. Nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, phân tán dần được thay thế bằng các mô hình nuôi trồng theo hướng thâm canh, công nghiệp. Trong đó, sản phẩm chủ lực nhất là nuôi tôm công nghệ cao trên cát cho năng suất vượt trội với 15 - 25 tấn/ha, tiếp tục là sản phẩm đứng đầu trong nhóm hàng xuất khẩu.

Nông nghiệp Hà Tĩnh đột phá lớn…

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo 3 tầng nấc đang là hướng đi bền vững tăng giá trị và giảm thiểu rủi ro ở Hà Tĩnh.

Bắt nhịp cuộc cách mạng 4.0, nhiều mô hình tăng trưởng mới ứng dụng công nghệ số cũng đã hình thành như: lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos và hệ thống tưới tự động, gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc trên cam, bưởi và một số sản phẩm OCOP nhằm kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị; quản lý sản xuất qua hệ thống app thông minh…

“Ngành nông nghiệp đang tập trung cao các giải pháp, cơ chế, chính sách về KH&CN, chuyển đổi số, đất đai, tín dụng… nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh NTM. Trong đó, tiên quyết vẫn là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thay đổi mô hình tăng trưởng nhờ tích hợp đa giá trị gồm: hàm lượng KH&CN, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, tăng kênh phân phối qua thương mại điện tử… để tối ưu hóa giá trị gia tăng và phát triển bền vững” - ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast