Phong tỏa nguồn lây, tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 8 thôn đã ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Ngày 26/2/2024, tại thôn Mỹ Hoà, xã Phù Lưu (Lộc Hà) ghi nhận 1 con bò của 1 hộ chăn nuôi bị ốm. Sau đó 1 ngày, kết quả xét nghiệm ngành chuyên môn khẳng định vật nuôi này bị bệnh viêm da nổi cục, Lộc Hà chính thức là địa phương thứ 3 trên toàn tỉnh ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Phong tỏa nguồn lây, tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Xã Phù Lưu (Lộc Hà) ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Ông Phan Văn Thanh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, huyện đã chỉ đạo xã Phù Lưu thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế lây lan, kiểm soát nguồn bệnh như: tiến hành tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, đồng thời lập 2 chốt cảnh báo trên địa bàn. Ngành chuyên môn cũng ban hành công văn chỉ đạo tập trung các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục theo quy định. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; chăm sóc trâu, bò thật tốt để có sức đề kháng; tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tiêm vắc - xin bao vây ổ dịch tại xã Phù Lưu và các xã, thị trấn thuộc vùng dịch uy hiếp trực tiếp theo quy định”.

Riêng đối với xã vùng dịch Phù Lưu, chính quyền địa phương đã yêu cầu “bật” chế độ phòng chống dịch mức cao nhất, cấp bách khoanh vùng, dập dịch; tiến hành cho người chăn nuôi cam kết thực hiện nuôi cách ly gia súc mắc bệnh để quản lý tại chuồng theo đúng quy định, tuyệt đối không chăn thả, giết mổ, bán chạy gia súc, không được đưa gia súc mẫn cảm về nuôi trong thời gian đang có dịch bệnh khi chưa qua 21 ngày.

Ngoài ra, địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn; xử lý nghiêm việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh, hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, chính quyền địa phương kêu gọi người dân không giấu dịch, không vi phạm các quy định trong chăn nuôi, nhất là thời điểm nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát cao như hiện nay.

Phong tỏa nguồn lây, tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Xã Tùng Lộc (Can Lộc) thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc, khử trùng trong và ngoài vùng dịch.

Tại xã Tùng Lộc (Can Lộc), từ ngày 24/1/2024 lại nay đã có 38 con trâu, bò của 28 hộ dân thuộc 5 thôn bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục, trong đó 4 con buộc phải tiêu hủy (ca mới nhất vào ngày 27/2/2024 tại thôn Nam Tân Dân).

Thời điểm này, tại thôn Nam Tân Dân, cán bộ thôn đang ráo riết quản lý chặt trâu, bò bị bệnh tại chuồng nuôi, không để tình trạng chăn thả chung khi vật nuôi chưa khỏi triệu chứng lâm sàng. Đồng thời, cán bộ thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền người dân không tăng đàn, mua mới trâu bò dịp này; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch, vùng có nguy cơ cao, các ổ dịch cũ; lập biển báo vùng có dịch viêm da nổi cục và các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường...

Ông Nguyễn Chỉ Vàng (thôn Nam Tân Dân) chia sẻ: "Ngày 27/2 vừa qua, gia đình ghi nhận 1 con bò nhiễm viêm da nổi cục. Đây là dịch bệnh trên đàn vật nuôi khá nguy hiểm, tốc độ lây lan khá nhanh nên ban đầu gia đình rất lo lắng. Tuy vậy, sau khi được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hướng dẫn, chúng tôi thực hiện các biện pháp cách ly vật nuôi bị bệnh, theo dõi chăm sóc, hiện nay vật nuôi đã dần khỏe lên. Ngoài ra, chúng tôi được hỗ trợ hóa chất thực hiện xử lý môi trường".

Phong tỏa nguồn lây, tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn.

Ông Đặng Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho hay: "Tổng đàn trâu bò toàn xã hiện hơn 600 con. Nhằm nâng cao khả năng phòng chống dịch, địa phương tiếp tục rà soát tổng đàn để quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện dịch bệnh; tiếp tục nâng cao ý thức chăn nuôi an toàn cho người dân, tiến hành tiêm phòng vắc – xin viêm da nổi cục trên 100% đàn vật nuôi; ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật từ vùng dịch ra ngoài..."

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 8 thôn của 3 xã thuộc 3 huyện (Lộc Hà, Can Lộc và Nghi Xuân) ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo đó, có 40 con bò của 30 hộ bị mắc bệnh, trong đó 4 con bò bị chết, phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 693 kg.

Phong tỏa nguồn lây, tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Người dân cần tuân thủ tiêm vắc - xin phòng bệnh theo quy định để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh): Tổng đàn trâu bò toàn tỉnh hiện nay đạt hơn 235.000 con. Đây là giai đoạn giao mùa, thời tiết thất thường, mưa ẩm và các đợt rét cuối vụ dẫn theo nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến dịch bệnh; thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo hướng dẫn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Riêng đối với các vùng có dịch, phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến dịch bệnh; kịp thời tham mưu, bổ cứu, chấn chỉnh hạn chế trong công tác phòng, chống dịch viêm da nổi cục. Tổ chức hướng dẫn các nội dung chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; tiêm vắc - xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.