Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa hè thu: Cắt đứt mầm phát sinh

(Baohatinh.vn) - Lúa hè thu vừa bước vào thời kỳ sinh trưởng đầu tiên, sâu cuốn lá nhỏ đã “ghé thăm” ruộng đồng. Diện tích nhiễm liên tục tăng, đến nay, có ít nhất khoảng 5.000 ha bị loài sâu bệnh này tấn công. Theo ngành chuyên môn, dù gây hại ở thời kỳ này, cây lúa chưa bị ảnh hưởng lớn đến năng suất nhưng nếu không cắt đứt mầm phát sinh từ đầu vụ sẽ là hậu họa khi sâu non ở lứa 2, lứa 3 phát triển...

Gần 1 tuần nay, chị Nguyễn Thị Thơ (xóm Cự Lâm, Vượng Lộc, Can Lộc) đứng ngồi không yên vì sâu cuốn lá nhỏ phá hại. Vụ hè thu này, gia đình làm 8 sào ruộng, từ khi gieo đến lúc lúa bắt đầu đẻ nhánh dù thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng hạn nẻ đồng, lúc mưa xối xả thì những đồng lúa vẫn xanh. Thế mà, chỉ mấy ngày gần đây, sâu cuốn lá nhỏ đã “ăn” trắng đồng.

Bà con nông dân xã Vượng Lộc (Can Lộc) vừa chăm tỉa, vừa tranh thủ bắt sâu non bằng thủ công

Bà con nông dân xã Vượng Lộc (Can Lộc) vừa chăm tỉa, vừa tranh thủ bắt sâu non bằng thủ công

Chị Thơ cho biết: “Bắt đầu đợt đổ nước để tỉa dặm là ruộng nhà có hiện tượng lá lúa cuốn tròn theo chiều dọc thành như cái bao, còn phía đầu ngọn thì màu trắng đục. Kiểm tra thì phát hiện sâu cuốn lá nhỏ, lúc đầu chỉ bị 1 sào, sau lây dần ra khắp cánh đồng. Ở xóm tôi còn đỡ, nhiều đội đồng nhìn cứ trắng xóa”.

Theo tay chị chỉ, nhiều mảnh ruộng sâu cuốn lá nhỏ đã phủ kín những chấm trắng phía đầu ngọn lá. Thường thì, những diện tích bị nhiễm nặng hơn tập trung ở những đồng sâu trũng, còn lại xuất hiện rải rác khắp các địa phương trên địa bàn huyện Can Lộc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đợt 1 này, Can Lộc là địa phương có diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lớn nhất tỉnh. Hiện toàn huyện có khoảng 3.000 ha bị nhiễm (chiếm 65% diện tích bị nhiễm toàn tỉnh), trong đó có 400 ha bị nặng với mật độ khoảng 70-120 con/m2.

Sau Can Lộc là Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà với diện tích nhiễm dao động từ 250-500 ha ở mỗi vùng lúa. Rải rác trên các địa phương còn lại, hiện có gần 5.000 ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ với mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 70-100 con/m2, cá biệt, có một số diện tích mật độ phân bố lên đến 120- 200 con/m2 (Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên).

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, sâu chủ yếu là tuổi 4 (chiếm 70%) và đã xuất hiện sâu tuổi 5 (20%). Giai đoạn này, sâu bắt đầu vào nhộng để chuẩn bị cho lứa tiếp theo. Dự báo, lứa sâu thứ 2 sẽ bắt đầu bùng phát sau 15/7, đúng vào thời điểm cây lúa bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng. Việc phòng trừ có hiệu quả ở lứa sâu thứ nhất sẽ quyết định sự phát sinh gây hại của những lứa tiếp theo. Dựa vào sự phát triển của cây lúa, lứa sâu thứ 3, rơi vào thời kỳ lúa trổ bông, năng suất giảm rất lớn nếu bị sâu cuốn lá nhỏ tấn công trên diện rộng”. Vì thế, mới thời kỳ đầu sâu cuốn lá nhỏ “nở” nhưng công tác phòng trừ được bà con nông dân quan tâm.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Vừa phát hiện đồng ruộng có dấu hiệu bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, tôi tức tốc chọn thuốc phù hợp để diệt trừ tận gốc. Ở giai đoạn này, lúa bị cắn phá có thể phục hồi bộ lá nhưng nếu không cắt đứt mầm phát sinh từ đầu thì sâu trưởng thành sẽ tiếp tục đẻ trứng, làm nhộng, hậu quả về sau càng nghiêm trọng”.

Rút kinh nghiệm từ những năm sâu cuốn lá nhỏ hoành hành, làm thất bát mùa vụ, bà con nông dân Cẩm Xuyên cũng vào cuộc phòng trừ kịp thời. Ông Nguyễn Văn Minh (Cẩm Minh) chia sẻ: “Đây là đợt phun phòng trừ thứ 2. Những nơi bị nhiễm nặng thì phun thuốc hóa học theo hướng dẫn, còn những nơi mật độ còn thấp thì chúng tôi tổ chức bắt thủ công, không để chúng làm tổ, vào nhộng”.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, vào thời điểm này, thời tiết nóng ẩm, trời nắng xen kẽ những đợt mưa rào cộng với sự phát triển của các loại cây trồng, lượng thức ăn trên đồng ruộng sẽ trở nên phong phú, dồi dào là điều kiện thuận lợi để loài sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và lan trên diện rộng. Do đó, trước hết, các địa phương cần tổ chức kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phun trừ kịp thời khi sâu non đang ở tuổi 1, tuổi 2.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast