Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

(Baohatinh.vn) - Giá thịt gia súc, gia cầm trên thị trường hiện duy trì ở mức thấp trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi, phòng dịch vẫn đang “neo” cao. Điều này gây không ít khó khăn cho nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong việc tái đàn, mở rộng quy mô...

Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

Giá lợn hơi thấp từ trong tết đến nay khiến nhiều hộ chăn nuôi găp khó khăn.

Lo ngại thua lỗ

Dù đã đến thời điểm nên tái đàn sau Tết Nguyên đán nhưng anh Trần Xuân Hạnh (xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) vẫn chưa có ý định mua thêm lợn giống về chăn thả. Anh Hạnh chia sẻ: “Giá lợn hơi thấp từ trong tết đến nay, chỉ ở mức 48.000 - 53.000 đồng/kg. Với giá này, đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống như tôi mỗi kỳ xuất chuồng có thể lỗ khoảng 1 triệu đồng/con vì giá thức ăn quá cao. Lúc này, người dân không mặn mà với nuôi lợn thương phẩm vì sợ tiếp tục thua lỗ”.

Đối với những doanh nghiệp, HTX, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đang bị đình trệ do giá lợn hơi giảm thấp, lợn giống khó tiêu thụ trong khi chi phí thức ăn, vật tư, chăm sóc, phòng bệnh tăng cao.

Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

Chăn nuôi nông hộ cầm chừng, nhiều bà con không muốn tái đàn trong thời điểm này.

Anh Văn Hoan - chủ trang trại chăn nuôi tại thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh cho hay: “Mỗi tháng chúng tôi xuất ra thị trường từ 200 - 250 con lợn thịt. Với giá lợn hơi như hiện nay, mỗi con lợn thịt bán ra có thể lỗ từ 700.000 – 900.000 đồng. Chúng tôi đang cố gắng cầm cự để vượt qua giai đoạn này”.

Đặc biệt, do nhu cầu tái đàn của người dân giảm nên việc tiêu thụ lợn giống tại các doanh nghiệp, HTX cũng cầm chừng theo. “Chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 triệu đồng, với mức giá như hiện nay thì lỗ, còn tiêu thụ rất chậm. Giữ lại nuôi thì chi phí phát sinh cao, khó khăn để cân đối hoạt động của HTX. Trong khi đó, nếu giảm đàn nái quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi về lâu dài vì nuôi được con nái phẩm chất lượng cao rất khó”, ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) thông tin thêm.

Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

Hiện, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp đôi so với năm 2020.

Không riêng gì đối với chăn nuôi lợn, đối với các hộ chăn nuôi gà, tình trạng khó khăn cũng đang diễn ra khiến việc tái đàn gặp nhiều trở ngại trong những tháng đầu năm.

Dù đã xuất bán số lượng lớn gà thịt ra thị trường phục vụ tết Nguyên đán nhưng trước áp lực chi phí thức ăn và phòng dịch cao, anh Phan Xuân Mùi (thôn Anh Hùng, Thượng Lộc, Can Lộc) chưa tăng đàn trở lại. Anh Mùi cho biết: “Chúng tôi tạm thời chỉ nuôi hơn 2.000 con gà và đang chờ xem tín hiệu thị trường như thế nào đã rồi tính”.

Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 402.000 con, gia cầm đạt trên 10 triệu con. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hoạt động tái đàn, tăng đàn của người chăn nuôi, HTX, doanh nghiệp thời điểm này tương đối chậm. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng (chi phí thức ăn chăn nuôi tăng gần 40% so với cùng kỳ và gấp đôi so với năm 2020). Trong khi đó, nhu cầu thị trường giảm, giá sản phẩm bán ra ở mức thấp.

Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

Đối với các hộ chăn nuôi gà, tình trạng khó khăn cũng đang diễn ra khiến việc tái đàn gặp nhiều trở ngại.

Cẩn trọng với nguy cơ dịch bệnh

Hiện tại đang là thời điểm giao mùa, thời tiết ẩm ướt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm rất cao, người chăn nuôi cần tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ông Lê Trọng Chính (xã Phù Lưu, Lộc Hà) thông tin, trang trại của gia đình đang nuôi hơn 600 con lợn, chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi được vệ sinh thường xuyên nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh.

Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

Người chăn nuôi khi tái đàn nên lựa chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Đối với con giống, các hộ chăn nuôi cũng nên chú trọng đảm bảo, lựa chọn nguồn chất lượng. Ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ gia trại chăn nuôi hơn 50 con lợn thịt tại xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên cho biết: “Tôi đã tiến hành tổng vệ sinh, sát trùng toàn bộ chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi. Khi thị trường ổn định hơn, tôi sẽ mua giống từ trại nái của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco để đảm bảo yếu tố dịch bệnh vì được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ”.

Thị trường bấp bênh, người chăn nuôi Hà Tĩnh không mặn mà tái đàn

Các địa phương tiêm vắc - xin định kỳ đợt 1/2023 cho đàn gia súc, gia cầm

Ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: Trong điều kiện khó khăn chung của hoạt động chăn nuôi như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ chăn nuôi vẫn cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Các hộ nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Khi tái đàn vật nuôi, cần chọn con giống tốt, sạch bệnh; đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Các địa phương cần theo dõi diến biến dịch bệnh trên vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò...; tập trung thực hiện tiêm phòng vắc-xin định kỳ đợt 1/2023 cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo tỷ lệ, chất lượng…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast