Thị trường khởi sắc, giá tôm đầu vụ tại Hà Tĩnh tăng cao

(Baohatinh.vn) - Nhu cầu thị trường trong nước dần ổn định sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã đẩy giá tôm thương phẩm tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường khởi sắc, giá tôm đầu vụ tại Hà Tĩnh tăng cao

Người nuôi ở Hà Tĩnh bắt đầu vào đợt thu hoạch tôm xuân hè.

Thời điểm này, một số vùng nuôi tôm lớn trên địa bàn Hà Tĩnh như huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… đã bắt đầu thu tỉa vụ tôm xuân hè 2022. Theo ghi nhận, giá bán tôm hiện nay là mức cao nhất sau hơn 2 năm thị trường “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Xuân Linh (xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Gia đình chúng tôi vừa xuất bán khoảng 5 tấn tôm thương phẩm có kích thước 40 con/kg với giá 180.000/kg. Sau thời gian dài chịu tác động xấu của dịch bệnh, chúng tôi mới thấy tôm bán được giá như thế này. Thương lái đến xem là đặt tiền mua luôn 2 hồ chứa, không như tầm này năm trước phải liên lạc nhiều nơi, chờ đợi khá lâu mới bán xong số tôm trong ao nuôi”.

“Tuy nhiên, do thời tiết đầu vụ diễn biến thất thường nên nhiều hộ có tôm bị chết, mới bắt đầu thả nuôi trở lại từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 nên phải sang khoảng gần cuối tháng 7 vùng này mới thu hoạch rộ. Rất may là giá bán đầu vụ khá tốt nên người nuôi tôm cũng có thêm chi phí để tái đầu tư sản xuất” - ông Linh cho biết thêm.

Thị trường khởi sắc, giá tôm đầu vụ tại Hà Tĩnh tăng cao

Hiên nay, tôm có kích thước 40 con/kg có giá 180.000/kg

Do lo ngại nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôm nên anh Trần Văn Đức (Thạch Sơn, Thạch Hà) đã tiến hành cho thu hoạch “non” so với dự tính. “Mặc dù thu hoạch trước so với dự tính nhưng thấy giá tôm hiện tại đang khá cao nên tôi vẫn quyết định bán. Với sản lượng gần 7 tấn tôm thương phẩm có kích cỡ 60 con/kg, tôi bán với giá hơn 140 nghìn đồng/kg. Giá tăng nên vụ tôm này mang về lợi nhuận tương đối. Nhu cầu trong tỉnh rất lớn vì đang vào mùa du lịch nên mình chủ yếu bán tại chỗ cho thương lái địa phương” - anh Đức chia sẻ.

Vừa qua, HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân) đã xuất bán gần 30 tấn tôm thương phẩm có kích thước từ 40 con/kg với giá 180.000 đồng/kg. Anh Hồ Quang Dũng, thành viên HTX cho biết: “Mức giá đầu vụ như thế này thì khi vào chính vụ (khoảng 25 ngày nữa) dự báo giá tôm sẽ không xuống quá thấp như các năm vừa rồi. Giá bán tăng cũng đỡ phần nào gánh nặng cho người nuôi trong giai đoạn giá thức ăn, vật tư, thuốc men, con giống… ở mức cao như hiện nay”.

Thị trường khởi sắc, giá tôm đầu vụ tại Hà Tĩnh tăng cao

HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành vừa xuất bán số lượng lớn tôm đầu vụ

Hiện nay, tôm sống thương phẩm loại từ 30-35 con/kg được thu mua với giá 260.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 180.000/kg, 50-55 con/kg giá 155 - 160.000 đồng/kg, 60-70 con/kg giá 140-145.000 đồng/kg; tôm đá cấp đông vào các nhà máy thường sẽ thấp hơn tôm sống từ 20-25.000 đồng/kg tuỳ loại.

Theo anh Trần Văn Hưng - thương lái từ tỉnh Thanh Hóa, mức giá này cao hơn năm trước khoảng 18 - 20%. Thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội… hiện rất sôi động nên chúng tôi đang tập trung thu mua để kịp xuất đi các mối lớn.

Thị trường khởi sắc, giá tôm đầu vụ tại Hà Tĩnh tăng cao

Thị trường trở lại sôi động sau thời gian dài trầm lắng nên tôm thẻ chân trắng tương đối dễ bán.

Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, sự khởi sắc của thị trường trong nước là nguyên nhân khiến giá tôm thẻ chân trắng tăng trở lại trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh mới xuống giống được hơn 2 tháng do ảnh hưởng của thời tiết bất thường từ đầu vụ (từ cuối tháng 2 đến tháng 3) nên phải đến gần cuối tháng 7 mới thu hoạch rộ.

Thị trường khởi sắc, giá tôm đầu vụ tại Hà Tĩnh tăng cao

Trong giai đoạn nắng nóng kéo dài, thời tiết còn diễn biến khó lường, người nuôi cần tăng cường chăm sóc, theo dõi sức khỏe của tôm.

“Giá bán tôm được đánh giá là đang ở mức cao so với mặt bằng chung của hơn 2 năm gần đây. Vì thế, trong giai đoạn nắng nóng kéo dài, thời tiết còn diễn biến khó lường, người nuôi thời điểm này cần tăng cường chăm sóc, theo dõi sức khỏe của tôm; kiểm tra biến động độ pH trong môi trường ao nuôi, độ kiềm và các loại rong tảo để xử lý kịp thời khi tôm có dấu hiệu bất thường; tăng cường chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bổ sung can-xi và chất khoáng để tôm phát triển tốt.

Đồng thời, ở những vùng nuôi có mật độ dày có thể tỉa bán bớt để giảm áp lực cho môi trường nhằm đảm bảo vụ nuôi thắng lợi và bán được giá” - ông Cần khuyến cáo thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast